Ông Mursi, 67 tuổi, đã trải qua một cơn đau tim và đột tử tại tòa án Cairo ngay trong phiên xét xử.
Một nguồn tin tại tòa án cho biết vào thời điểm đó, ông Mursi đã nói chuyện khoảng 15 phút và còn đọc thơ về tình yêu của mình dành cho đất nước.
Các công tố viên xác nhận cựu Tổng thống Ai Cập ngã quỵ trong phòng xử án à được tuyên bố tử vong tại bệnh viện lúc 16 giờ 50 phút ngày 17-6 (giờ địa phương). Kiểm tra sơ bộ cho thấy ông Mursi không bị chấn thương nào trên cơ thể.
Tuy nhiên, tổ chức Anh em Hồi giáo cho rằng cái chết của ông Mursi là một "vụ giết người". Tổ chức này kêu gọi người dân tập trung tại đám tang của ông Mursi ở Ai Cập và bên ngoài các Đại sứ quán Ai Cập trên toàn thế giới.
Ông Mursi trong một phiên tòa ở thủ đô Cairo. Ảnh: AP
Theo gia đình của ông Mursi, sức khỏe của ông trở nên xấu đi trong thời gian bị cầm tù kể từ khi bị quân đội lật đổ vào năm 2013. Người thân của ông Mursi cũng hiếm khi được cho phép tới thăm nuôi.
Một nguồn tin y tế nói với Reuters rằng cựu Tổng thống Ai Cập mắc bệnh tiểu đường và bị huyết áp cao, từng được điều trị y tế tại bệnh viện tư nhân và bệnh viện cảnh sát ở thủ đô Cairo.
Con trai của ông Mursi, Abdullah Mohamed Mursi, cho biết gia đình không được thông báo về việc chôn cất ông mà họ chỉ liên lạc được thông qua luật sư. Trước đó, nhà chức trách Ai Cập không cho phép ông Mursi được an nghỉ tại phần mộ của gia đình, nằm ở tỉnh Sharqiya.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã kêu gọi mở cuộc điều tra về cái chết của cựu Tổng thống Ai Cập. "Chính quyền Ai Cập phải có trách nhiệm đảm bảo rằng với tư cách là một tù nhân, ông ấy được quyền chăm sóc y tế thích hợp" – AI tuyên bố.
Ông Mursi lên nắm quyền từ năm 2012. Cựu lãnh đạo này cam kết đưa Ai Cập vào một kỷ nguyên dân chủ mới trong đó chế độ chuyên chế sẽ được thay thế bằng chính phủ minh bạch, tôn trọng nhân quyền và khôi phục lại vị thế hùng mạnh trong quá khứ.
Tuy nhiên, ông bị cáo buộc chiếm đoạt quyền lực, dính dáng tới tổ chức Anh em Hồi giáo và quản lý kinh tế yếu kém.