Mỹ gia tăng răn đe Iran

Thứ tư, 19 Tháng 6 2019 13:35 (GMT+7)
Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh Iran sẽ không phát động chiến tranh nhằm vào bất kỳ quốc gia nào

Lầu Năm Góc hôm 17-6 đã thông báo kế hoạch triển khai thêm 1.000 binh sĩ đến Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran leo thang sau nghi vấn 2 tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Oman vào tuần rồi.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết bước đi này nhằm mục đích phòng vệ, xuất phát từ những nỗi lo về mối đe dọa của Tehran. Dù vậy, tuyên bố của ông Shanahan không nói rõ địa điểm và sứ mệnh cụ thể của số binh sĩ trên mà chỉ nhấn mạnh Mỹ không tìm kiếm xung đột với Iran. Trước khi đưa ra thông báo này, Lầu Năm Góc đã công bố một số hình ảnh được cho là bằng chứng mới về sự liên quan của Tehran đối với các vụ tấn công.

Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày nhận định các vụ tấn công xảy ra hôm 13-6 là không nghiêm trọng khi trả lời phỏng vấn tạp chí Time. Nhà lãnh đạo này từ chối cho biết liệu ông có cân nhắc một cuộc đối đầu quân sự với Iran hay không. Thay vào đó, ông nhận định vịnh Oman và Trung Đông không còn là nỗi lo ngại lớn như trước bởi Mỹ hiện mua "rất ít" dầu từ khu vực này.

Mỹ gia tăng răn đe Iran - Ảnh 1.

Tổng thống Hassan Rouhani (phải) thăm một cơ sở hạt nhân của Iran hồi tháng 4-2019. Ảnh: EPA-EFE

Ông chủ Nhà Trắng vào tuần rồi cáo buộc Iran tấn công 2 tàu chở dầu trên trong lúc giới chức Anh nói "gần như chắc chắn" Tehran đứng sau chúng. Thận trọng hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya hôm 18-6 cho biết hiện vẫn chưa rõ thủ phạm của các vụ tấn công và Tokyo không đưa lực lượng quân sự đến vịnh Oman. Một trong 2 tàu bị nổ và bốc cháy ở đó vào tuần rồi thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản.

Tehran cho đến giờ vẫn bác bỏ cáo buộc liên quan đến diễn biến nói trên. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 18-6 nhấn mạnh nước này sẽ không phát động chiến tranh nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh hiện "rất lo ngại" về tình hình Trung Đông và kêu gọi Mỹ không giải quyết các vấn đề với Iran bằng những biện pháp cực đoan. Theo ông Vương, thỏa thuận được Iran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức) năm 2015 là cách khả thi duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân, Tehran nên "thận trọng" với việc ra quyết định và không từ bỏ thỏa thuận này.

Lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi Iran tuyên bố vào ngày 27-6 tới sẽ vượt qua giới hạn dự trữ 300 kg urani làm giàu được đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân. Theo thỏa thuận này, Iran hiện chỉ được phép sản xuất urani làm giàu ở mức độ thấp, có thể được sử dụng để tạo ra nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. 

Vào hồi tháng 5, Iran tuyên bố sẽ ngừng một vài cam kết trong thỏa thuận hạt nhân để phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Dù vậy, Tehran nói thêm châu Âu vẫn còn thời gian ra tay để bảo vệ quốc gia Trung Đông này khỏi hành động của Washington.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, quốc gia đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran, lập tức cáo buộc tuyên bố mới nhất của Iran là động thái "tống tiền hạt nhân". Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói lấy làm tiếc về thông báo này nhưng khẳng định Paris sẽ đàm phán với các đối tác của mình và Tehran để tìm giải pháp ngăn căng thẳng leo thang tại Trung Đông.

Theo đài BBC, người phát ngôn chính phủ Anh cho biết sẽ xem xét mọi lựa chọn có sẵn trong trường hợp Iran phá vỡ các cam kết hạt nhân. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức thúc giục Tehran tuân thủ thỏa thuận. 

Hoàng Phương - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới