Trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo này hôm 18-6, Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng Mỹ sẽ đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc. "Nếu Trung Quốc và Mỹ hợp tác, đôi bên cùng có lợi. Nếu đấu nhau, hai bên đều bị tổn hại" - ông Tập nhấn mạnh.
Tổng thống Trump cũng xác nhận các quan chức hai nước sẽ bắt đầu chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông và ông Tập bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới), diễn ra tại TP Osaka -Nhật Bản trong 2 ngày 28 và 29-6. Nếu diễn ra, cuộc gặp này sẽ là diễn biến tích cực đầu tiên kể từ khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung bế tắc vào đầu tháng 5.
Tranh cãi liên quan đến Tập đoàn thiết bị mạng Huawei đang đe dọa đến đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: REUTERS
Dù vậy, không nhiều nhà phân tích lạc quan về triển vọng thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ đi đến một thỏa thuận đình chiến thương mại bởi vẫn còn những bất đồng khiến hai nước đau đầu. "Tập đoàn Huawei là vấn đề trọng tâm. Các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo dường như điều không thể trừ khi Trung Quốc nhìn thấy "phao cứu sinh" tiềm tàng cho Huawei" - một nhóm chuyên gia của Công ty Tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) nhận định.
Theo tờ The Straits Times (Singapore), chính quyền Bắc Kinh và Huawei sẽ phải quyết định liệu có chấp nhận một số biện pháp trừng phạt công khai do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra hay không để đổi lấy một thỏa thuận dàn xếp bất đồng với Washington.
Nếu hai bên có thể linh hoạt về các vấn đề chính, lãnh đạo Mỹ - Trung nhiều khả năng đồng ý tiếp tục đàm phán thương mại trong 60 ngày, đồng thời hợp tác trong việc giải quyết vấn đề của Huawei. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm 18-6 tuyên bố Mỹ sẵn sàng áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc.