Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu phi quân sự (DMZ) liên Triều hôm 30-6. Khi cuộc gặp bắt đầu, Tổng thống Trump đã bước qua ranh giới chia cắt hai miền Triều Tiên, trở thành tổng thống Mỹ đương chức đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.
Sau màn bắt tay và chào hỏi, hai nhà lãnh đạo cùng nhau bước qua lãnh thổ Hàn Quốc, trả lời báo giới trước khi tiến hành hội đàm. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại DMZ. "Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì nó cho thấy chúng tôi muốn chấm dứt quá khứ thù địch để hướng tới một tương lai mới" - ông Kim khẳng định.
Sau cuộc họp kéo dài hơn 60 phút, Tổng thống Trump cho biết ông và lãnh đạo Kim đã nhất trí về việc thành lập phái đoàn mới để khôi phục quá trình đàm phán "trong 2 hoặc 3 tuần tới". Ông chủ Nhà Trắng khẳng định các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vẫn sẽ được duy trì nhưng bày tỏ hy vọng có thể gỡ bỏ chúng trong tương lai.
"Ở một số thời điểm trong quá trình đàm phán, tình hình có thể diễn biến tích cực và đó là khi chúng ta sẽ nói về lệnh trừng phạt" - Tổng thống Trump cho biết, đồng thời nói thêm ông "không vội" để đạt được thỏa thuận với Triều Tiên. Theo báo The New York Times, phái đoàn của Mỹ vẫn sẽ do đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun phụ trách, trong khi đó hiện vẫn chưa rõ phái đoàn Triều Tiên sẽ do ai dẫn đầu.
Kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên hồi tháng 6-2018, Bình Nhưỡng đã ngưng các vụ thử tên lửa song vẫn chưa đồng ý với yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Tổng thống Trump để được gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Vào tháng 5 vừa qua, Triều Tiên bất ngờ phóng một số tên lửa tầm ngắn, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đàm phán Bình Nhưỡng - Washington sụp đổ hoàn toàn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại khu phi quân sự liên Triều hôm 30-6. Ảnh: Reuters
Bà Sue Mi Terry, người từng làm việc tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thời hai cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, khẳng định cuộc gặp nói trên đã mang đến một tín hiệu tích cực trong tiến trình đàm phán 2 nước vì "nó có thể mở ra một cuộc gặp trọng đại hơn vào cuối năm nay".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đặt kỳ vọng vào cuộc gặp trên khi phát biểu: "Tôi mong đợi cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm sẽ mang lại hy vọng cho nhân dân Hàn Quốc và Triều Tiên và cuộc gặp này sẽ là một cột mốc quan trọng trong lịch sử hướng về hòa bình của nhân loại".
Trong khi đó, theo một số nhà phân tích, cuộc gặp nói trên mang đến cả "cơ hội" và "rủi ro" cho Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim. Ông Harry J. Kazianis, chuyên gia tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ), nhận định với trang Fox News rằng việc thuyết phục được Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân sẽ là một chiến thắng ngoại giao của ông Trump. Điều này cũng đúng với nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu ông có thể thuyết phục Tổng thống Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Dù vậy, rủi ro từ cuộc gặp này cũng không nhỏ. Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, ông Kim Jong-un tuyên bố Mỹ phải đưa ra "tính toán mới" nếu muốn ông chấp nhận trở lại bàn đàm phán. Nhưng đến bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump sẽ "xuống nước" kể từ khi ông bác đề nghị của Bình Nhưỡng về việc tháo dỡ một cơ sở hạt nhân để được nới lỏng lệnh trừng phạt - theo báo The New York Times.
Tổng thống Trump cũng thừa nhận trong buổi họp báo hôm 29-6 rằng ông sẽ bị "bẽ mặt" nếu nhà lãnh đạo Kim không xuất hiện tại DMZ. Giờ đây, sau khi cuộc gặp diễn ra, ông chủ Nhà Trắng có thể đối mặt sức ép gia tăng về việc biến mối quan hệ cá nhân với ông Kim Jong-un thành "hành động cụ thể" về phi hạt nhân hóa.
Thách thức chờ đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 30-6 cảnh báo nước này và Mỹ còn chặng đường dài phải đi trước khi có thể đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại theo sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại TP Osaka - Nhật Bản một ngày trước đó. Theo tờ China Daily, việc hai bên nhất trí về 90% các vấn đề đã chứng tỏ là chưa đủ để hai bên đi đến thỏa thuận cuối cùng bởi 10% còn lại là những khác biệt cơ bản và không dễ để đạt được sự đồng thuận 100%.
Trong lần gặp nhau ở thủ đô Buenos Aires - Argentina hồi tháng 12-2018, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung cũng nhất trí về thỏa thuận đình chiến để thúc đẩy đàm phán thương mại. Rốt cuộc, tiến trình này đột ngột đổ vỡ vào tháng 5 sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại một số cam kết. Một số nhà phân tích nhận định khi hai bên nối lại đàm phán thời gian tới, thách thức cũng không có gì khác biệt. Theo AP, Trung Quốc không muốn chấm dứt cho các công ty trong nước và yêu cầu Mỹ hủy bỏ các biện pháp thuế quan như là một điều kiện của bất kỳ thỏa thuận nào. Trong khi đó, chính quyền ông Trump vẫn muốn duy trì các mức thuế bổ sung đánh vào hàng nhập khẩu Trung Quốc và sử dụng chúng như đòn bẩy để bảo đảm Bắc Kinh tuân thủ cam kết.
Hoàng Phương