Hãng tin của Đức Deutsche Welle cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, có hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài dồi dào. Đồng thời, Việt Nam cũng đã ký kết 7 hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ với các mặt hàng xuất khẩu chính, bao gồm các sản phẩm may mặc và giày dép.
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu chính, như may mặc và giày dép. Ảnh: DPA
Hồi năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 42,5 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ sang EU trong khi giá trị nhập khẩu từ khu vực này đạt 13,8 tỉ USD, theo dữ liệu chính thức. Việt Nam tin rằng EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu từ EU sang Việt Nam tăng khoảng 15,28% và kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 20% vào năm 2020.
Hiệp định thương mại tự do với EU cũng sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 2,18% -3,25% hàng năm vào năm 2023 và 4,57% -5,30% hàng năm từ 2024-2028.
Theo thỏa thuận, quần áo, giày dép và điện thoại thông minh sẽ sớm rẻ hơn ở EU trong khi gần như tất cả các mức thuế sẽ biến mất. Thỏa thuận thương mại tự do này cũng cho thấy quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam.
Theo hãng tin Đức Deutsche Welle, các chuyên gia nhận định Việt Nam cũng được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra vì các công ty lớn đang chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để tránh các hình phạt từ Mỹ.
Hãng tin AP đánh giá hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam giúp mở đường cho khả năng giảm thuế lên đến 99% đối với sản phẩm nhập khẩu của hai bên. Hiệp định loại bỏ gần như tất cả thuế quan đối với các sản phẩm được giao dịch giữa Việt Nam, một trong những quốc gia có hoạt động sản xuất lớn nhất châu Á và khối thương mại gồm 28 thành viên.
Hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc) cũng đưa tin Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EVFTA và EVIPA). Hãng tin này cho rằng Hiệp định EVFTA và EVIPA bao gồm nhiều vấn đề, như thương mại hàng hóa và dịch vụ, mua sắm công, hệ thống tòa án về đầu tư, phát triển bền vững, bảo vệ lao động, môi trường và người tiêu dùng.
Theo TTXVN, là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm tiêu, thứ hai về cà phê, thứ ba về gạo, thứ tư về thủy sản, thứ năm về sản phẩm gỗ…, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết sẽ có lợi thế rất lớn đến phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.
Những ưu đãi về thuế quan của EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt tiếp cận, thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn với 28 quốc gia thành viên. Nhưng đây cũng là một thị trường chất lượng cao, nếu nông sản Việt không qua được cánh cửa tiêu chuẩn thì cơ hội đó sẽ sớm tuột khỏi tầm tay.
Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ cắt giảm 24% số dòng thuế nông sản cam kết về 0% ngay năm đầu và cắt giảm 99% dòng thuế sau 10 năm.
Các nước EU cũng cắt giảm thuế các mặt hàng gạo về 0% sau từ 3-7 năm; rau quả có 520/556 dòng thuế về 0%, rau quả chế biến cũng có 85,6% dòng thuế về 0%; hạt điều hưởng thuế 0%; càphê, hạt tiêu 93% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực…
Các sản phẩm chăn nuôi sẽ có khoảng 60% dòng sản phẩm sẽ về 0% khi hiệp định có hiệu lực; nhóm thịt gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh có lộ trình cắt giảm thuế 7 năm.
Với vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới, trong khi EU là một trong những thị trường lớn của cà phê Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU được dự báo sẽ tăng lên sau khi EVFTA được ký kết.
Việc tham gia các FTA cũng mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội tiếp cận các sản phẩm có chất lượng cao, giá cả hợp lý hơn từ những nước tiên tiến như thịt, sữa… Đặc biệt là một số sản phẩm trái cây ôn đới và thủy sản mà Việt Nam không có.