OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng dầu

Thứ tư, 03 Tháng 7 2019 11:16 (GMT+7)
Mỹ đang đòi hỏi Ả Rập Saudi tăng sản lượng để giảm giá dầu nếu muốn Washington ủng hộ về mặt quân sự trong cuộc đối đầu với Iran

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa nhất trí duy trì cắt giảm sản lượng khai thác đến tháng 3-2020 trong nỗ lực thúc đẩy giá dầu giữa lúc nhu cầu toàn cầu sụt giảm và Mỹ tăng cường sản xuất dầu. Quyết định này được đưa ra tại cuộc họp tại trụ sở của OPEC ở thủ đô Vienna - Áo hôm 1-7.

Phát biểu sau cuộc họp của OPEC, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih khẳng định nội bộ OPEC có sự đồng thuận mạnh mẽ đối với quyết định trên, đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận tiếp tục được duy trì tại cuộc họp của nhóm OPEC+ (liên minh năng lượng giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu bên ngoài) một ngày sau đó. Đúng như kỳ vọng, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm 2-7 cho biết các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC đồng ý tiếp tục thỏa thuận cắt giảm sản lượng với tổ chức này.

Theo Reuters, bước đi trên nhiều khả năng chọc giận Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi ông chủ Nhà Trắng đang đòi hỏi Ả Rập Saudi, thành viên hàng đầu OPEC, tăng sản lượng để giảm giá dầu nếu muốn Washington ủng hộ về mặt quân sự trong cuộc đối đầu với Iran. Giá dầu tăng có thể khiến giá xăng ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn với người dân - một diễn biến không có lợi cho nỗ lực tái tranh cử của ông Trump.

OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng dầu - Ảnh 1.

Khung cảnh cuộc họp của OPEC+ tại thủ đô Vienna - Áo hôm 2-7. Ảnh: REUTERS

"Ả Rập Saudi đang nỗ lực hết sức để giá dầu đạt mức 70 USD/thùng bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể đạt mục tiêu này ngay cả khi sản lượng dầu xuất khẩu của Iran và Venezuela đều giảm. Các nguyên nhân chính là nhu cầu yếu và sản lượng dầu đá phiến Mỹ tăng mạnh" - chuyên gia Gary Ross của Công ty Black Gold Investors (Mỹ) nhận định với Reuters. Giá dầu thô Brent hôm 2-7 có lúc giảm còn 64,66 USD/thùng do nỗi lo về nhu cầu, bất chấp động thái của OPEC.

OPEC+ bắt đầu giảm nguồn cung từ năm 2017 để ngăn giá dầu lao dốc. Thỏa thuận hiện tại ủng hộ cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 1,2 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 6-2019. Các thành viên OPEC đồng ý giảm 800.000 thùng/ngày và phần còn lại đến từ các nước bên ngoài tổ chức này. Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới nhưng không tham gia liên minh OPEC+.

Một cuộc khảo sát của các nhà phân tích thuộc Reuters cho thấy giá dầu có thể chịu sức ép bởi sự sụt giảm nhu cầu giữa lúc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và dầu thô Mỹ tràn ngập thị trường. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng bất ổn địa chính trị và hoạt động sản xuất dầu gặp rắc rối tại một số nước đã dẫn đến nỗi lo nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, từ đó có thể khiến dầu tăng giá.

Nổi bật trong số này là căng thẳng đang tăng ở Trung Đông khi Mỹ áp đặt trừng phạt mới lên Iran và các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu xảy ra gần eo biển Hormuz thời gian qua. Trong khi đó, bất ổn chính trị tại Venezuela - từng là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới - khiến hoạt động này bị đình trệ. 

Bà Ann-Louise Hittle, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn Wood Mackenzie (Anh), nhận định các thành viên OPEC sẽ phải đau đầu khi ứng phó ảnh hưởng của nguy cơ xung đột Mỹ - Iran gia tăng lên giá dầu.

Hoàng Phương - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới