Cô Sureerat Noenpap, 37 tuổi, là một tài xế xe ôm ở thủ đô Bangkok - Thái Lan với thu nhập chỉ hơn 10.000 baht (hơn 7 triệu đồng)/tháng. Cô có hai con gái đang chuẩn bị vào đại học trong vài năm tới và biết rõ mình không thể gánh nổi các khoản phí này.
Vì thế, cô đã quyết định tìm kiếm việc làm nông tại Hàn Quốc. Cô đăng ký khóa học tiếng Hàn và chuẩn bị dự thi vào tháng tới theo chương trình Hệ thống cấp phép vấn đề việc làm (EPS) hợp tác giữa hai chính quyền Thái Lan và Hàn Quốc.
“Tôi được một người họ hàng khuyên ở lại quá hạn để làm việc nhưng tôi từ chối. Cô ấy đi theo dạng khách du lịch hồi năm ngoái và gửi tiền về nhà thường xuyên. Nhưng cô ấy cảnh báo tôi nên chuẩn bị vì mọi thứ sẽ không như dự tính” - cô Sureerat chia sẻ.
Thái Lan đang nỗ lực ngăn người lao động sang Hàn Quốc làm việc trái phép. Ảnh: TNews
Người lao động Thái Lan hiện là một trong những cộng đồng người nhập cư lớn nhất Hàn Quốc.
Ông Don Tarajaroensuk, nhà nghiên cứu vấn đề lao động nhập cư Thái Lan tại Trường ĐH Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) cho biết tình trạng thiếu hụt lao động, định kiến xã hội về công việc đòi hỏi nhiều sức lao động và tình trạng chảy máu chất xám ở giới trẻ Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho người lao động từ Đông Nam Á, Trung Quốc hoặc Trung Á tìm kiếm việc làm trong các nhà máy điện tử, phụ tùng xe và lĩnh vực nông nghiệp.
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “làm việc tại Hàn Quốc” trên Facebook ở Thái Lan, hàng trăm thông tin tuyển dụng xuất hiện.
Một số thông tin tuyển dụng bao gồm các vị trí tại nông trại nấm, trang trại gia súc và nhà máy nhựa với mức lương từ 1.4 đến 1.6 triệu won/ tháng (khoảng 27 đến 31 triệu đồng), hai ngày nghỉ mỗi tháng, ăn ở miễn phí.
Khoảng 143.000 người làm việc bất hợp pháp trên tổng số 165.000 người Thái đang sinh sống tại Hàn Quốc, theo Bộ Lao động Thái Lan tại cuộc họp báo hồi tháng 4.
Ông Don cho biết lao động Thái Lan sẵn sàng đánh liều làm việc trái phép ở Hàn Quốc vì họ có thể kiếm nhiều tiền hơn, dù có khi họ phải làm việc chăm chỉ hơn so với ở trong nước.
Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc động viên và kết nối người Thái với những công việc triển vọng ở Hàn Quốc. Nguồn: AP
Ông Pisut Somboon, người sáng lập trang thông tin việc làm và đời sống tại Hàn Quốc Koreajob.in.th cho rằng: “Nhiều người không biết đến cách tiếp cận hợp pháp để làm việc tại Hàn Quốc. Họ không biết rằng việc trả tiền cho những người môi giới có thể là một phần của quá trình buôn người”.
“Môt số người dù biết nhưng vẫn chọn cách bất hợp pháp do họ đã quá lớn tuổi để đăng ký EPS hoặc không thể kiên nhẫn thi lại nếu trượt vì họ phải trả nợ khi đến hạn” – ông cho biết thêm.
Bộ Lao động Thái Lan đã tiếp nhận 15.000 người đăng ký EPS, gấp đôi chỉ tiêu là 7.000 người. Chương trình này cũng nâng độ tuổi lao động giới hạn từ 39 lên 45 tuổi.