Rất nhiều bí ẩn xoay quanh vụ cháy tàu ngầm Nga hôm 1-7 kể từ khi vụ việc xảy ra. Một ngày sau sự cố, Bộ Quốc phòng Nga mới đưa ra thông báo.
Truyền thông dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga: "Vào ngày 1-7, một đám cháy đã bùng phát trên tàu khoa học nghiên cứu nước sâu. Quá trình điều tra đang được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân. Người đứng đầu lực lượng hải quân hiện trực tiếp phụ trách điều tra".
Đài truyền hình quốc gia Nga cũng không đưa tin về vụ cháy vài giờ sau tuyên bố chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga.
7 khoang hình cầu bên trong tàu ngầm AS-12. Ảnh: News.com.au
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ việc là mất mát to lớn và ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đích thân điều tra. Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu gặp nạn là phương tiện nghiên cứu biển sâu do Hải quân Nga quản lý và không tiết lộ thêm thông tin về nó.
"Thông tin về vụ việc không thể được công khai hoàn toàn. Vấn đề này nằm trong diện bí mật quốc gia" - người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3-7 cho biết.
Hình ảnh được cho là của tàu ngầm AS-12 từng bị phát hiện khi nó nổi trên mặt biển. Ảnh:News.com.au
Tuy nhiên, việc có rất nhiều nhân vật quan trọng hiện diện trên tàu ngầm dẫn đến đồn đoán phương tiện gặp nạn có thể là tàu ngầm do thám tối mật Losharik.
Ông Shoigu cho biết 14 thành viên trên tàu ngầm AS-12 đã chết trong khi những người còn lại có thể đã được cứu nhưng không tiết lộ có bao nhiêu người thực sự ở trên tàu vào thời điểm xảy ra tai nạn.
Phát ngôn viên của điện Kremlin nói rằng các chi tiết về vụ tai nạn không được công khai là điều bình thường và có một số thông tin thuộc diện bí mật quốc gia.
Ngay sau khi những thông tin đầu tiên về vụ hỏa hoạn xuất hiện, hai tờ báo Nga RBC và tờ Novaya Gazeta đều dẫn nguồn tin cho biết vụ tai nạn xảy ra trên một chiếc tàu lặn có tên AS-12, còn có biệt danh là "Losharik", được cho là có thể hoạt động ở độ sâu lên tới 6.000m, gấp 10 lần so với một tàu ngầm thông thường. Tàu có thể chở tới 25 người nhưng có rất ít hình ảnh về AS-12.
Đây là một tàu ngầm nhỏ chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể lặn xuống độ sâu cực lớn để nghiên cứu và hoạt động đặc biệt. Theo truyền thông, tàu ngầm này còn có thể cắt đứt cáp viễn thông dưới biển.
Vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý khi trong số 14 người thiệt mạng có 2 sĩ quan được trao tặng danh hiệu Anh hùng Nga và nhiều sĩ quan cấp cao. Nghe có vẻ bất thường khi các quan chức cấp cao như thế lại thực hiện một nhiệm vụ khoa học nghiên cứu đáy biển ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Nga và Na Uy như tuyên bố của Bộ Quốc phòng.
Theo các chuyên gia quân sự, việc trông đợi sẽ có thêm nhiều thông tin về vụ tai nạn hoặc nhiệm vụ con tàu sẽ được công khai trong quá trình điều tra sắp tới là điều không thực tế. Nhà phân tích quân sự độc lập, ông Alexanderr Golz, cho rằng vụ hỏa hoạn trên tàu ngầm có thể bùng phát vì "hàng trăm lý do".
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh sự bất thường về sự hiện diện của các nhân vật trên tàu ngầm, trong đó có một số quan chức cấp cao với không dưới 25 năm phục vụ trong Hải quân Nga. Theo ông Golz, điều này có nghĩa những hoạt động mà con tàu đang tiến hành vào thời điểm xảy ra tai nạn khó khăn đến mức cần kinh nghiệm của những nhân vật như thế.