Chỉ trích trên của phái bộ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc là nhằm đáp trả cáo buộc của Mỹ, theo đó Bình Nhưỡng vi phạm mức trần về xăng dầu tinh chế được phép nhập khẩu.
Mỹ vào tháng rồi cho biết nhập khẩu xăng dầu tinh chế của Triều Tiên từ đầu năm đã vượt quá mức trần cho phép là 500.000 thùng/năm, được áp đặt trong một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tháng 12-2017.
Washington muốn Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lập tức yêu cầu ngưng cung cấp xăng dầu tinh chế cho Triều Tiên. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã cản trở động thái này của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau hôm 30-6. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn tức giận trước lá thư đề ngày 29-6 mà Mỹ, Pháp, Đức, Anh gửi toàn bộ thành viên Liên Hiệp Quốc với nội dung thúc giục họ thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Tuyên bố của phái bộ Triều Tiên nói Mỹ "bị ám ảnh bởi trừng phạt" và tìm cách "phá hoại bầu không khí hòa bình" trên bán đảo Triều Tiên.
Điều đáng nói là ngày 29-6 cũng là ngày ông Trump đề xuất gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự liên Triều.
Cuộc gặp này diễn ra một ngày sau đó và ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 đã khép lại với thỏa thuận nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo sau cuộc gặp giữa hai ông Trump và Kim hôm 30-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết vòng đàm phán phi hạt nhân hóa mới có thể được nối lại trong tháng này.