Theo báo cáo của CNN, F-16I Sufa bị bắn hạ sau khi một máy bay trực thăng chiến đấu AH-64 Apache của Israel chặn thành công một máy bay không người lái (UAV) của Iran phóng từ Syria bị cáo buộc xâm nhập không phận nước này, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết trong một tuyên bố.
Chiếc F-16I nằm trong phi đội 8 tiêm kích đang thực hiện đòn trả đũa nhằm vào lãnh thổ Syria, sau khi UAV Iran xâm nhập không phận Israel.
Lực lượng phòng không Syria được cho là đã phóng khoảng 20 tên lửa phòng không các loại, trong đó có một quả khóa mục tiêu vào chiếc tiêm kích bay đầu trong phi đội. Tuy nhiên, tiêm kích đi đầu này kịp thời cơ động tránh tên lửa, còn chiếc thứ hai không được may mắn như vậy.
Quả tên lửa phát nổ gần chiếc tiêm kích F-16I đang bay ở độ cao 3.000 m.
Cả hai phi công trên máy bay F-16I Sufa của Israel đều thoát chết mặc dù một trong số họ bị thương nặng do phải sơ tán khẩn cấp khỏi máy bay. Tại thời điểm đó, giới chuyên gia quân sự rất bất ngờ bởi hệ thống phòng không Syria vốn “im hơi, lặng tiếng” nhiều năm qua lại có thể lập nên kỳ tích bắn hạ một trong những dòng máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất của Không quân Israel hiện nay.
Theo đó, một câu hỏi được đặt ra là dòng vũ khí phòng không nào của Syria lại có thể hạ gục phiên bản có thể coi là hiện đại nhất của máy bay chiến đấu F-16I Sufa.
Theo trang Facebook thống kê và chiến lược quân sự toàn cầu , F-16I đã bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không S-125 đã được nâng cấp (tên mã NATO gọi là SA-3 Goa).
Đáng chú ý vào ngày 17/3/2015, một máy bay không người lái MQ-1 Predator của Mỹ cũng bị một tên lửa S-125 của Không quân Syria bắn rơi khi đang trên chuyến bay tình báo gần thị trấn ven biển Latakia.
Vụ việc xảy ra khi lực lượng Israel tấn công 12 mục tiêu ở Syria, bao gồm ba tổ hợp phòng không và 4 mục tiêu được mô tả là của Iran ở Syria.
Theo tuyên bố của IDF, bốn mục tiêu của Iran là một phần của cơ sở quân sự Cộng hòa Hồi giáo đặt tại Syria.
S-125 Neva/Pechora được Liên Xô phát triển để bổ sung lưới phòng không tầm trung, bên cạnh dòng S-25 Berkut và S-75 Dvina. So với tên lửa tiền nhiệm S-75 Dvina, S-125 có tầm bắn và trần bắn kém hơn, nhưng sở hữu khả năng đánh chặn mục tiêu cơ động như tiêm kích tốt hơn.
Các phiên bản S-125 cũng có thể đánh chặn mục tiêu bay thấp hơn so với tổ hợp S-75, trong khi khả năng kháng nhiễu được tăng cao đáng kể. Mỗi tổ hợp bao gồm 4 bệ phóng với tối đa 16 quả đạn trong tình trạng sẵn sàng phóng. Tên lửa 5V27 của tổ hợp S-125 có tầm bắn 35 km và trần bắn 18 km, tốc độ tối đa 4.320 km/h.
Tới đầu thập niên 2000, Nga bắt đầu phát triển biến thể S-125-2M "Pechora-2M", nhằm tăng cường khả năng chiến đấu cho các tổ hợp S-125 đời cũ. Hệ thống này có khả năng kết nối với những tổ hợp phòng không tầm xa như S-300, được trang bị nhiều cảm biến mới để phát hiện mục tiêu cả ngày lẫn đêm và trong điều kiện đối phương gây nhiễu mạnh.
Kính ảnh nhiệt trên phiên bản S-125-2M có thể phát hiện tiêm kích F-16 từ khoảng cách 30 km mà không đánh động phi công đối phương như radar thông thường. Điều này cho phép kíp vận hành bám bắt mục tiêu và bất ngờ phóng tên lửa, không để máy bay địch kịp phản ứng.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Syria đang biên chế 148 bệ phóng S-125 Pechora và 12 bệ phóng S-125-2M.