Theo Viện Địa cực Na Uy, con cáo nói trên rời khỏi quê hương - quần đảo Svalbard (Na Uy) vào ngày 26-3-2018 và tới đảo Ellesmere (Canada) vào ngày 1-7-2018, băng qua lãnh thổ Greenland.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hành trình xuyên đại dương của cô cáo bằng thiết bị theo dõi vệ tinh gắn trên người con vật từ tháng 7-2017, gần môi trường sống tự nhiên của nó trên đảo Spitsbergen.
Trong hành trình đến Canada, con cáo khoảng 2 tuổi đã di chuyển trung bình 46,3 km/ngày, theo các nhà khoa học Na Uy. Ban đầu, nó chỉ loanh quanh gần nơi ở, sau đó dần dần mạo hiểm đi ra bên ngoài trước khi rời hòn đảo vào ngày 26-3-2018.
Viện Địa cực Na Uy cho biết quãng đường mà con cáo này vượt qua trong hơn 4 tháng là quãng dường dài nhất mà họ ghi nhận được đối với một con cáo đang tìm chỗ định cư và sinh sản.
Con cáo đã đi đoạn đường dài 4.415km trong hơn 4 tháng từ Na Uy đến Canada. Ảnh: AP
Việc đi được một quãng đường dài như vậy trong thời gian ngắn cho thấy khả năng di chuyển đáng nể của loài thú ăn thịt có kích thước nhỏ này.
Viện Địa cực Na Uy ước tính quãng đường từ hang mà con cáo này được sinh ra tới đảo Ellesmere dài khoảng 1.789 km tính theo đường chim bay.
Loài cáo Bắc cực có bộ lông dày giúp chúng có thể sống sót trong môi trường lạnh. Tuổi đời của chúng vào khoảng 4 năm. Thức ăn chính của cáo Bắc cực là cá, chim biển và chuột lemming.