Nhật - Hàn tiến gần chiến tranh thương mại

Thứ sáu, 05 Tháng 7 2019 08:25 (GMT+7)
Với sự khoanh tay đứng nhìn của Washington, căng thẳng Tokyo - Seoul bắt đầu chuyển từ mặt trận ngoại giao sang kinh tế

Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiến gần chiến tranh thương mại sau khi Tokyo hôm 4-7 chính thức hạn chế xuất khẩu sang Seoul một số vật liệu công nghệ cao được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại và chip. Theo Reuters, động thái của Nhật Bản có thể khiến quá trình xuất khẩu chậm lại vài tháng, từ đó tác động tiêu cực đến một số đại gia công nghệ hàng đầu Hàn Quốc như Samsung Electronics Co., SK Hynix Inc., LG Display...

Theo trang Bloomberg, Tokyo xem Seoul là bên khơi mào cuộc tranh cãi lần này khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào tháng 10-2018 phán quyết một công ty Nhật Bản phải bồi thường cho 4 người Hàn Quốc bị ép buộc làm việc cho họ trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên hồi Thế chiến II. 

Lập trường của Nhật Bản cho đến giờ là vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến đã được giải quyết xong khi hai nước ký hiệp ước khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1965. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại lập luận rằng hiệp ước này không ngăn người dân kiện các công ty Nhật Bản và phán quyết của tòa án nên được tôn trọng.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko hôm 2-7 nhấn mạnh bước đi trên là "hậu quả" của việc Hàn Quốc không đưa ra giải pháp hợp lý đối với vấn đề nói trên. Ông Seko cũng khẳng định biện pháp của Nhật Bản không vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Không dừng lại ở đó, hãng tin Kyodo tiết lộ nước này đang cân nhắc bổ sung thêm sản phẩm vào danh sách hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Nhật - Hàn tiến gần chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở TP Osaka hôm 28-6Ảnh: Reuters

Đáp lại, Seoul tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết, trong đó có nộp đơn kiện lên WTO. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki hôm 4-7 tuyên bố không loại trừ các biện pháp trả đũa trực tiếp bởi WTO có thể phải mất nhiều thời gian đưa ra kết luận về vụ việc. Tuy nhiên, ông Hong cảnh báo nếu Hàn Quốc và Nhật Bản leo thang cuộc đối đầu, thiệt hại không may sẽ xảy ra với nền kinh tế của cả hai nước vốn thuộc tốp đầu châu Á. Nguy cơ này không phải xa vời bởi ông Lee Hae-chan, lãnh đạo Đảng Dân chủ cầm quyền ở Hàn Quốc, cùng ngày tuyên bố "cuộc chiến chỉ mới bắt đầu".

Theo trang Bloomberg, nỗi lo lúc này là căng thẳng giữa 2 đồng minh của Mỹ nói trên có thể vượt tầm kiểm soát và bùng phát thành chiến tranh kinh tế. Mỹ lâu nay vẫn can thiệp mỗi khi quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên căng thẳng bởi cả 3 nước đều chia sẻ nỗi lo an ninh về Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi vào thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà lãnh đạo này không đưa ra tuyên bố công khai nào để xoa dịu tranh cãi khi đến Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần rồi.

Ông Daniel Sneider, chuyên gia tại Trường ĐH Stanford (Mỹ), cho rằng sự phớt lờ trên không khác gì hành động bật đèn xanh để hai bên tiếp tục cuộc đối đầu. "Người Mỹ luôn hiểu rằng sự leo thang căng thẳng giữa 2 đồng minh chủ chốt ở Đông Bắc Á là mối đe dọa đến lợi ích an ninh quốc gia. Chính phủ (Mỹ) này đã từ bỏ trách nhiệm của mình" - ông Sneider chỉ trích.

Chính nước Mỹ đã đóng vai trò trung gian cho Hiệp ước 1965 nói trên, trong đó Tokyo trả cho Seoul khoản tiền 300 triệu USD (tương đương 2,4 tỉ USD hiện nay). Tuy nhiên, hiệp ước không thể giúp người Hàn Quốc nguôi ngoai về vấn đề lao động cưỡng bức trong lúc hai nước còn tranh cãi về một loạt vấn đề khác, trong đó có chủ quyền một nhóm đảo ở biển Hoa Đông. Giờ đây, với sự khoanh tay đứng nhìn của Washington, căng thẳng Nhật - Hàn đã bắt đầu chuyển từ mặt trận ngoại giao sang kinh tế. 

Mỹ - Trung cứng rắn trước đàm phán

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4-7 tuyên bố Mỹ sẽ phải dỡ bỏ các mức thuế bổ sung hiện có như là một phần của thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, nếu có. Tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Cao Phong, cho biết thêm đội ngũ đàm phán thương mại của hai nước bắt đầu liên lạc trở lại kể từ khi tiến trình này đổ vỡ vào tháng 5.

Trước đó một ngày, theo Reuters, giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết các quan chức hai nước đang thu xếp để nối lại đàm phán, sớm nhất là vào tuần tới, trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài gần 1 năm nay giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một quan chức tiết lộ hai bên đang lên kế hoạch cho một cuộc điện đàm giữa các nhà đàm phán chính - phía Mỹ là Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong lúc phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc - vào tuần sau. Tuy nhiên, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng nói cứng rằng Mỹ sẽ không dỡ bỏ thuế quan trong quá trình đàm phán.

Mỹ - Trung nhất trí nối lại thương thảo sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại TP Osaka - Nhật Bản vào cuối tuần rồi. Tại cuộc gặp, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra 2 nhượng bộ lớn để thúc đẩy đàm phán: Không áp thuế thêm đối với số hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỉ USD và nới lỏng các hạn chế đối với Tập đoàn Công nghệ Huawei. Hiện Mỹ đang áp thuế suất 25% đối với 250 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc.

Lục San

Hoàng Phương - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới