Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi hôm 7-7 tuyên bố Iran sẽ nâng cấp độ làm giàu urani lên 5%, vượt mức quy định 3,67% trong thỏa thuận hạt nhân ký với Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức hồi năm 2015.
Các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân sẽ tiếp tục bị xóa bỏ sau mỗi 60 ngày - ông Araghchi tuyên bố, đồng thời khẳng định Iran trước đó đã ra thời hạn đàm phán và hành động của họ không vi phạm thỏa thuận. Chính phủ các nước châu Âu đã không thực hiện đúng cam kết của họ về việc bảo vệ Iran trước lệnh trừng phạt của Mỹ - Thứ trưởng Araghchi nêu lý do.
Dù vậy, ông Araghchi vẫn ra tín hiệu hoan nghênh nỗ lực phút chót để cứu vãn thỏa thuận khi khẳng định quá trình đàm phán với các nước châu Âu vẫn sẽ được tiếp tục và các cuộc gặp cấp bộ trưởng cũng được lên kế hoạch vào cuối tháng này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani viếng thăm nhà máy hạt nhân Bushehr Ảnh: AP
Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Israel Yuval Steinitz cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận và tiến tới chế tạo bom hạt nhân. "Iran đã bắt đầu vượt qua giới hạn làm giàu urani quy định... Điều này có nghĩa là họ đang xóa bỏ những lằn ranh đỏ đã được thiết lập để bắt đầu tiến tới chế tạo vũ khí hạt nhân" - ông Yuval Steinitz khẳng định.
Theo báo The Guardian (Anh), cấp độ làm giàu urani cần thiết để chế tạo bom hạt nhân là 90%. Trợ lý hàng đầu của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, ông Ali Akbar Velayati, khẳng định Iran cần làm giàu urani ở mức 5% đối với lò phản ứng hạt nhân Bushehr, đồng thời nhấn mạnh đây là một mục tiêu hoàn toàn hòa bình.
Trước đó, trong cuộc điện đàm hôm 6-7 với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ "lo ngại sâu sắc đối với những rủi ro liên quan đến việc làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân", đồng thời cảnh báo hậu quả theo sau. Ông chủ Điện Élysée còn tuyên bố sẽ tham khảo ý kiến với giới chức Iran và các đối tác quốc tế để thuyết phục các bên quay lại đàm phán về các biện pháp "xuống thang căng thẳng cần thiết".
Iran thời gian qua gia tăng sức ép lên Anh - Pháp - Đức, yêu cầu các quốc gia này hỗ trợ họ chống lại lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và khẳng định những động thái hỗ trợ của 3 quốc gia này là chưa đủ.
Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang kể từ khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018 và thực hiện chính sách gây sức ép tối đa lên Tehran. Mỹ gần đây tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông khi triển khai thêm tàu sân bay, máy bay ném bom B-52 cùng hàng ngàn binh sĩ.
Căng thẳng 2 nước suýt vượt tầm kiểm soát vào tháng rồi khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ ở vùng Vịnh. Tướng Gholamreza Jalali, chỉ huy cấp cao của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), hôm 7-7 tiết lộ với hãng thông tấn Fars rằng Washington đã gửi thông điệp cảnh báo về một cuộc tấn công quân sự giới hạn theo sau vụ việc nêu trên. "Tuy nhiên, câu trả lời của Iran là chúng tôi xem mọi chiến dịch đều là sự khởi đầu cho chiến tranh" - ông Jalali nói.
Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard, mới đây khẳng định với đài CBS News rằng chiến tranh Mỹ - Iran sẽ gây ra hậu quả "thảm khốc hơn rất nhiều" so với chiến tranh Mỹ - Iraq. Bà Gabbard cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đưa Mỹ ngày càng đến gần hơn với chiến tranh Iran. Cũng theo bà Gabbard, Tổng thống Trump đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.