Chiến sự Donbass chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo một tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine lần thứ 21, Ukraine và Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quá trình đàm phán về giải quyết xung đột ở vùng chiến sự Donbass.
"Chúng tôi tái khẳng định sự hỗ trợ đầy đủ của chúng tôi đối với những nỗ lực của định dạng Normandy, OSCE, bao gồm cả công việc của Phái đoàn giám sát đặc biệt OSCE tới Ukraine và Nhóm liên lạc ba bên. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực đàm phán nhằm giải quyết bền vững và hòa bình", tuyên bố nhấn mạnh.
Theo tuyên bố, EU gần đây đã gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, thời hạn vẫn liên quan rõ ràng với việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk.
Trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Ukraine-EU ở Kiev, Tổng thống Zelensky cũng nói rằng: "Mọi thứ có thể sớm trở lại như cũ, nhưng làm ơn, hãy trả lại cho chúng tôi những doanh nghiệp bị quốc hữu hóa bất hợp pháp trong vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng".
Ông Zelensky tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine lần thứ 21.
Ông Zelensky lưu ý rằng ông hy vọng sẽ chấm dứt cuộc xung đột ở phía đông nam đất nước trong năm nay.
“Chúng tôi thực sự muốn ngăn chặn cuộc chiến này. Và chúng tôi muốn mang lại hòa bình cho Ukraine. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được nhờ thứ “vũ khí” duy nhất - đó là ngoại giao”, theo ông Zelensky.
Tổng thống Ukraine cũng tuyên bố rằng sẽ sớm có tiến triển trong việc trao đổi tù nhân ở Donbass, nhưng vấn đề hiện tại là danh sách của cả hai bên không khớp nhau.
Theo ông Zelensky, các bên tham gia cuộc xung đột ở vùng chiến sự Donbass đang dần tiến tới lệnh ngừng bắn bền vững, và những binh sĩ gần Stanitsa Luganskaya đã giải tán.
Những người tham gia hội nghị cũng nói rằng ngày 17/7 sẽ đánh dấu 5 năm kể từ khi chuyến bay MH17 gặp nạn thảm khốc, đã cướp đi sinh mạng của 298 nạn nhân. Họ mong muốn được truy tố những người chịu trách nhiệm về thảm kịch này và kêu gọi Nga chấp nhận trách nhiệm của mình và hợp tác đầy đủ với tất cả các nỗ lực để thiết lập trách nhiệm.
"Trong bối cảnh này, EU và Ukraine hoan nghênh thông báo của Nhóm điều tra chung vào ngày 19/6/2019 rằng các cáo buộc hình sự sẽ được đưa ra ở Hà Lan chống lại 4 cá nhân, kêu gọi Nga hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra đang diễn ra và bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào các kết quả điều tra độc lập", tuyên bố chung viết.
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines, trên đường bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, đã bị bắn hạ ở không phận Donbas vào ngày 17/7/2014. Có 283 hành khách và 15 phi hành đoàn trên máy bay đều bị thiệt mạng.
Vào tháng 9/2016, Đội điều tra chung (JIT) cho biết có bằng chứng không thể chối cãi rằng máy bay đã bị bắn hạ bởi một tên lửa 9M38 Buk được phóng từ lãnh thổ do phiến quân thân Nga kiểm soát ở phía đông Ukraine . Ngoài ra, JIT cho biết vào ngày 24/5 rằng hệ thống tên lửa Buk bắn rơi MH17 thuộc Lữ đoàn tên lửa phòng không số 53 của Lực lượng Vũ trang Nga đóng tại Kursk.
Vào tháng 5/2018, Hà Lan và Úc chính thức tuyên bố rằng Nga phải chịu trách nhiệm pháp lý về thảm họa MH17.
Vào ngày 19/6, JIT đã chính thức nêu tên 4 cá nhân liên quan đến việc hạ máy bay Boeing 777.