Liên Hiệp Quốc hôm 15-7 công bố báo cáo mới cho thấy có đến 820 triệu người trên thế giới thiếu ăn trong năm 2018, trong đó có 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Báo cáo có tên "Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu" do Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực hiện. Theo báo cáo, đây là năm thứ 3 liên tiếp có số người rơi vào cảnh thiếu ăn gia tăng.
Việc đảo ngược xu hướng này là một trong các mục tiêu "Phát triển bền vững vào năm 2030" của LHQ. Tuy nhiên, báo cáo mới chỉ ra rằng để hướng đến một thế giới không còn nạn đói là thách thức to lớn khi số người thiếu ăn đã tăng từ 811 triệu người vào năm 2017 lên 820 triệu người vào năm 2018. Theo hãng tin Deutsche Welle (Đức), hầu hết những người đối mặt với nạn đói nghiêm trọng nhất trên thế giới sống ở châu Á (500 triệu người), châu Phi (260 triệu người), đặc biệt là khu vực châu Phi cận Sahara.
Nhiều người dân ở CHDC Congo đối mặt nạn đói Ảnh: WFP
Các tác giả của báo cáo nói trên ước tính khoảng 2 tỉ người trên toàn thế giới không được tiếp cận nguồn thực phẩm sạch và bổ dưỡng đầy đủ. Ở mọi châu lục, tỉ lệ phụ nữ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cao hơn nam giới. Khoảng 8% dân số ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng bị ảnh hưởng.
"Để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, điều quan trọng là phải có các chính sách kinh tế - xã hội để chống lại tác động của các chu kỳ kinh tế bất lợi, đồng thời tránh cắt giảm những dịch vụ thiết yếu, như chăm sóc sức khỏe và giáo dục bằng mọi giá" - báo cáo nhấn mạnh. Bà Cindy Holleman, một trong những tác giả chính của báo cáo, cho biết: "Bất bình đẳng đang thực sự gia tăng ở hơn một nửa các quốc gia trên thế giới. Nạn đói tồi tệ hơn khi bất bình đẳng tăng cao".
Cũng theo chuyên gia này, không phải tất cả những người bị suy dinh dưỡng đều gầy. "Có mối liên hệ lớn hơn giữa mất an ninh lương thực cùng với thừa cân và béo phì. Ước tính có 2 tỉ người thừa cân. Thực phẩm không lành mạnh thường có giá rẻ hơn" - bà Holleman cho hay. Báo cáo cũng chỉ ra 3 lý do chính dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thực phẩm gồm xung đột, biến đổi khí hậu và nền kinh tế suy yếu.
Điển hình, chiến tranh và xung đột vũ trang là nguyên nhân chính gây nạn đói ở Nam Sudan, CHDC Congo. Còn tại Yemen, khoảng 3,6 triệu dân đã phải sơ tán kể từ khi chiến tranh nổ ra hồi năm 2015. Bên cạnh xung đột, suy giảm kinh tế nghiêm trọng đang đẩy Yemen đến bờ vực của nạn đói và làm trầm trọng thêm nhu cầu trong tất cả lĩnh vực. Trong khi đó, Zimbabwe đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khi đồng tiền mất giá, hàng hóa đắt đỏ, khiến khoảng 2 triệu dân không có đủ thức ăn. Con số này ở Nigeria là 5 triệu người.
Nhằm xóa bỏ nạn đói, báo cáo của LHQ thúc giục các thỏa thuận quốc tế kiến tạo hòa bình và chuyển đổi kinh tế bền vững nhằm giúp các nước đang phát triển có thể chuẩn bị tốt hơn trong việc đối phó với các nguyên nhân gây nạn đói.