"Con tàu bị cướp biển bỏ lại đã được đưa đến cảng Tema – Ghana và các biện pháp cần thiết đang được thảo luận với chính quyền Nigeria và Ghana để giải cứu các công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt cóc" - Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Trước đó, con tàu Paksoy-1 treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ đi từ cảng Douala – Cameroon đến TP Abidjan của Bờ Biển Ngà bị cướp biển tấn công vào tối 13-7 (giờ địa phương) ngoài khơi Nigeria. Sau khi bị tấn công, một số thành viên trên tàu là công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cướp biển có vũ trang bắt cóc.
Khoảng 73% trong số tất cả các vụ bắt cóc trên biển xảy ra ở Vịnh Guinea. Ảnh: ANP
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và các cơ quan liên quan đang theo dõi chặt chẽ vụ việc.
Con tàu chở 18 thành viên, tất cả là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, vào thời điểm bị các tay súng vũ trang tấn công. Theo Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, 8 thủy thủ đã được giải cứu và đưa đến Ghana.
Kênh truyền hình NTV cho biết những tên cướp biển đã tiếp cận con tàu trên bằng những chiếc xuồng cao tốc và bắt giữ các thủy thủ. Hiện chưa rõ thông tin về những người bị bắt. Theo thông tin ban đầu, không có thương tích hay thương vong trong vụ việc.
Tàu Paksoy-1. Ảnh: Dunyabulteni
Cục Hàng hải Quốc tế (IMB) gần đây mô tả Vịnh Guinea là khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới đối với hoạt động vận chuyển. 73% trong số tất cả các vụ bắt cóc trên biển và 92% các vụ bắt con tin đều xảy ra ở đó, thông thường những tên cướp biển sẽ dùng con tin đòi tiền chuộc.
Những tên cướp biển có vũ trang đã bắt cóc 27 thủy thủ trong nửa đầu năm 2019. Trong số chín tàu bị tấn công trên toàn thế giới thì hết 8 tàu vào tầm ngắm cướp biển ở ngoài khơi Nigeria.