Trong lúc thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết, hai nước này lại đối đầu trong cuộc tranh cãi mới sau một phán quyết cuối cùng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hôm 16-7. Theo hãng tin Reuters, phán quyết này cảnh báo Mỹ có thể đối mặt các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc nếu không loại bỏ một số biện pháp thuế quan bị xem là trái với quy định của tổ chức này.
Tranh cãi trên tập trung vào 17 cuộc điều tra được Bộ Thương mại Mỹ tiến hành trong giai đoạn 2007-2012. Đến năm 2012, Bắc Kinh đệ đơn kiện lên WTO, theo đó cáo buộc các biện pháp thuế chống trợ cấp của Washington nhằm vào một số mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc đã vi phạm quy định WTO. Giá trị của số sản phẩm bị đánh thuế khi đó vào khoảng 7,3 tỉ USD.
Một nhóm nghị sĩ Mỹ đang tìm cách duy trì sức ép lên Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) Ảnh: REUTERS
Trong phán quyết mới nhất nói trên, WTO đồng tình với cáo buộc của Mỹ, theo đó, các công ty nhà nước Trung Quốc đã trợ cấp doanh nghiệp trong nước bằng cách cung cấp các thành phần có giá thấp, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng. Dù vậy, phán quyết cho rằng Mỹ đã tính toán sai mức thuế nhằm trừng phạt hành vi này của Trung Quốc và nếu Washington không tính toán lại, Bắc Kinh có thể ra tay trả đũa.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ lập tức có phản ứng mạnh khi gọi phán quyết vi phạm các quy định của WTO và làm suy yếu nỗ lực chống lại các hành vi trợ cấp của Trung Quốc đang gây tổn hại cho người lao động, doanh nghiệp Mỹ và làm méo mó các thị trường trên thế giới. Ở chiều ngược lại, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định phán quyết chứng tỏ Mỹ thường xuyên lạm dụng các biện pháp trừng phạt gây tổn hại nghiêm trọng đến tính công bằng của môi trường thương mại quốc tế.
Không lâu sau khi có phán quyết của WTO, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng phàn nàn chuyện Trung Quốc không "giữ lời hứa" mua thêm nông sản Mỹ và dọa Washington có thể áp thuế lên 325 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nếu cần phải làm như thế. Cảnh báo này được đưa ra giữa lúc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang loay hoay tìm giải pháp cho cuộc thương chiến kéo dài hơn 1 năm qua.
Theo sau cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại TP Osaka - Nhật Bản vào cuối tháng rồi, hai nước nhất trí nối lại đàm phán để tìm kiếm thỏa thuận nhưng quá trình này đang diễn ra chậm hơn kỳ vọng. Theo trang Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer của Mỹ dự kiến có cuộc điện đàm tiếp theo với các quan chức Trung Quốc trong tuần này. Nếu điện đàm đạt kết quả khả quan, hai quan chức Mỹ này sau đó có thể đến Bắc Kinh để gặp các quan chức nước chủ nhà.
Dù vậy, triển vọng đạt thỏa thuận thương mại có nguy cơ thêm mờ mịt sau khi một số nghị sĩ lưỡng viện quốc hội Mỹ hôm 16-7 đưa ra dự luật nhằm duy trì sức ép lên Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc). Theo Reuters, dự luật này cấm đưa Huawei ra khỏi danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ nếu không có sự phê chuẩn của cả Hạ viện và Thượng viện. Nhóm nghị sĩ hậu thuẫn dự luật (đến từ hai đảng Cộng hòa, Dân chủ) gọi Huawei là mối đe dọa đến an ninh quốc gia sau khi công ty này bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ và vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Huawei hiện bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ sau khi lọt vào danh sách đen nói trên hồi tháng 5. Dù vậy, ông chủ Nhà Trắng vào cuối tháng rồi đã nói đến việc nới lỏng lệnh cấm nhằm vào Huawei để thúc đẩy Trung Quốc nối lại đàm phán, khiến không ít nghị sĩ Mỹ lo ngại.