Đài Loan hủy chương trình tên lửa vì bị Mỹ cảnh báo

Thứ sáu, 19 Tháng 7 2019 16:04 (GMT+7)
Đài Loan đã hủy bỏ kế hoạch phát triển và thử nghiệm tên lửa trong khuôn khổ chương trình thám hiểm không gian sau khi Mỹ bày tỏ quan ngại về kế hoạch này.

Báo Asia Times hôm 18- cho biết Washington cảnh báo Đài Bắc rằng tên lửa mới có thể khiến xung đột với Bắc Kinh nổ ra vì các công nghệ liên quan có thể dễ dàng được vũ khí hóa. Điều này sẽ cho Trung Quốc lý do tiến hành thêm các cuộc tập trận và đẩy mạnh hoạt động quân sự xung quanh lãnh thổ Đài Loan.

Theo giới quan sát, Đài Bắc không phải không có khả năng chế tạo tên lửa. Trước đây, hòn đảo này từng phát triển tên lửa đất đối không tầm trung cho lực lượng quân đội.

Đài Loan hủy chương trình tên lửa vì bị Mỹ cảnh báo - Ảnh 1.

Đài Loan hủy chương trình tên lửa vì bị Mỹ cảnh báo - Ảnh 2.

Vệ tinh Formosat-7 được phóng lên quỹ đạo hồi tháng trước. Ảnh: Asia Times

Dù hủy bỏ kế hoạch phát triển và thử nghiệm tên lửa nhưng Cơ quan Khoa học và Công nghệ Đài Loan nhấn mạnh chương trình thám hiểm không gian của họ sẽ không bị gián đoạn. Đài Bắc đang đặt mục tiêu phóng ít nhất một vệ tinh mỗi năm trong thập kỷ tới.

Từ năm 1991, Đài Loan chỉ phóng 5 vệ tinh với sự hỗ trợ của Mỹ, bao gồm Formosat-5 – vệ tinh đầu tiên được hòn đảo tự phát triển và chế tạo. Hồi cuối tháng trước, vệ tinh Formosat-7 cũng được phóng lên quỹ đạo dù quan hệ hợp tác khoa học giữa Washington và Đài Bắc đang gặp trục trặc. Đài Loan xác nhận họ sẽ ký một bản ghi nhớ với Công ty SpaceX (Mỹ) trong thời gian tới.

Báo Asia Times cho biết Đài Bắc đã phân bổ ngân sách 25,1 tỉ Đài tệ (805 triệu USD) cho chương trình không gian thứ ba, giai đoạn 2019-2028. Chương tình tập trung phát triển vệ tinh viễn thám quang học độ phân giải cao và siêu cao cũng như vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp. Nó phù hợp với các ứng dụng quan sát, dự báo thời tiết, liên lạc và phòng thủ.

Ngoài tự chế tạo tên lửa, Đài Loan còn giúp các quốc gia khác thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm thiết bị, tải trọng tại các phòng thí nghiệm trên hòn đảo để mô phỏng điều kiện trong không gian.

Phạm Nghĩa - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới