Mỹ gặp khó với kế hoạch ngăn chặn Iran

Thứ hai, 22 Tháng 7 2019 08:25 (GMT+7)
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét quyết định ngăn chặn Iran vận hành một chương trình hạt nhân dân sự có sự hỗ trợ của quốc tế.

Một bước đi như thế, nếu có, sẽ dỡ bỏ một trụ cột quan trọng của thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với các cường quốc hồi năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JPCOA).

Đài NBC News hôm 20-7 dẫn một số nguồn tin cho biết nội bộ chính quyền ông Trump vẫn đang tranh luận về quyết định mà nếu được thực thi có thể khiến JPCOA sụp đổ. Các chính phủ châu Âu đã thúc giục Washington không có bước đi trên do lo ngại số phận của JPCOA và nguy cơ leo thang đối đầu Mỹ - Iran thời gian tới.

Chính quyền ông Trump đã rút Mỹ khỏi JPCOA vào năm ngoái, khiến căng thẳng với Iran gia tăng thời gian qua. Dù vậy, Washington hồi tháng 5 vẫn đồng ý gia hạn thêm 90 ngày cơ chế miễn trừ trừng phạt được thực hiện theo JPCOA, cho phép các nước còn tham gia thỏa thuận tiếp tục hợp tác hạt nhân dân sự với Tehran. 

Chính quyền Iran lâu nay khẳng định quyền theo đuổi chương trình hạt nhân dân sự để sản xuất điện và tiến hành các nghiên cứu. JPCOA phần nào đáp ứng đòi hỏi này khi cho phép Tehran nhận sự giúp đỡ của các nước tham gia ký kết trong việc vận hành một số cơ sở hạt nhân phục vụ mục đích dân sự. Tuy nhiên, một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ lập trường cứng rắn với Tehran tại Mỹ đã chỉ trích sự nhượng bộ này.

Mỹ gặp khó với kế hoạch ngăn chặn Iran - Ảnh 1.

Trực thăng cất cánh từ tàu chiến USS Boxer của Hải quân Mỹ ở biển Ả Rập hôm 18-7Ảnh: Reuters

Thông tin trên được tiết lộ giữa lúc tình hình Trung Đông nóng lên từng ngày bởi một loạt diễn biến, trong đó mới nhất là vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh ở eo biển Hormuz hôm 19-7. Chính phủ Anh hôm 20-7 lên án hành động này và bác bỏ cáo buộc của Tehran, theo đó, con tàu bị bắt giữ sau khi va chạm với một tàu cá Iran. London cho biết thêm đã khuyên các tàu Anh tránh xa eo biển Hormuz trong một thời gian.

Pháp, Đức và Liên minh châu Âu cũng lên án vụ bắt giữ trên. Đáng chú ý, Pháp, Đức, Anh là 3 trong số 6 nước tham gia ký kết JPCOA với Iran, bên cạnh Mỹ, Nga, Trung Quốc. Ba nước châu Âu này phản đối chính quyền ông Trump rút khỏi thỏa thuận nhưng cho đến giờ vẫn chưa thực hiện lời hứa giúp Iran tránh được tác động của các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.

Trước khi có vụ bắt giữ trên, Mỹ cáo buộc Iran đứng sau một loạt vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu quanh eo biển Hormuz nhưng Tehran đã bác bỏ sự liên quan. Theo báo USA Today, Washington đang tăng cường kêu gọi các đồng minh giúp ngăn Tehran có thêm những hành động bị xem là khiêu khích. 

Bộ trưởng Lục quân Mark Esper, người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, trong tuần rồi đã phác thảo kế hoạch bảo đảm an toàn cho hoạt động vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz và tại vịnh Ba Tư, trong đó kêu gọi tiến hành các cuộc tuần tra của một liên quân quốc tế tại khu vực. Tuy nhiên, theo Reuters, nỗ lực lập liên quân quốc tế này đang gặp khó bởi một số nước lo ngại căng thẳng với Iran có thể gia tăng nếu họ đưa thêm khí tài quân sự đến Trung Đông.

Hoàng Phương- (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới