Hồng Kông trấn áp người biểu tình tiếp cận văn phòng đại diện Trung Quốc

Thứ hai, 29 Tháng 7 2019 08:32 (GMT+7)
Cảnh sát Hồng Kông đã bắn hơi cay và đạn cao su vào những người biểu tình cố gắng tiếp cận văn phòng đại diện của Trung Quốc tại đặc khu.

Đài BBC hôm 28-7 cho biết hàng chục ngàn người biểu tình đã chiếm giữ các đường phố gần Sai Wan và Causeway Bay. Các nhà hoạt động đội mũ bảo hiểm và kính bảo hộ dựng rào chắn ở một số địa điểm khác nhau, hô vang "Hồng Kông tự do". Một số nhóm đồng thanh kêu gọi "đòi lại Hồng Kông", "cuộc cách mạng của thời đại chúng ta" hoặc giương cao biểu ngữ có nội dung "chấm dứt bạo lực".

Người biểu tình ban đầu tập trung tại một công viên ở khu thương mại trung tâm trước khi di chuyển về phía văn phòng đại diện của Trung Quốc tại Sai Wan và khu mua sắm Causeway Bay.

Hồng Kông trấn áp người biểu tình tiếp cận văn phòng đại diện Trung Quốc - Ảnh 1.

Hồng Kông trấn áp người biểu tình tiếp cận văn phòng đại diện Trung Quốc - Ảnh 2.

Hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã chặn đám đông, bắn hơi cay và đạn cao su vào họ. Ảnh: Reuters, EPA

Hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã chặn đám đông, bắn hơi cay và đạn cao su vào họ. Theo Reuters, toà nhà văn phòng đại diện của Trung Quốc trước đó được gia cố bởi hàng rào, trong khi biểu tượng của Bắc Kinh phía trên cửa trước được che chắn bằng một hộp nhựa.

Vào cuối tuần trước, người biểu tình cũng vẽ graffiti và ném sơn lên các bức tường của văn phòng đại diện này. Các quan chức Trung Quốc cảnh báo đó là một thách thức đối với chính quyền Bắc Kinh và sẽ không được tha thứ.

Làn sóng biểu tình bạo lực đã bước sang ngày thứ hai. Trước đó, hàng chục ngàn người biểu tình tập trung gần ga tàu ở Yuen Long chiều tối 27-7. Họ phá hoại xe chuyên dụng và tấn công cảnh sát bằng gạch, ô và cây sắt. Lực lượng an ninh đã đáp trả bẳng dùi cui, hơi cay, đạn cao su và đạn bọt biển.

Cuộc đụng độ khiến 23 người bị thương, bao gồm 2 người trong tình trạng nghiêm trọng. Cảnh sát cũng bắt giữ 11 kẻ quá khích.

Mặc dù Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố dự luật dẫn độ gây tranh cãi "đã chết" nhưng những người biểu tình muốn rút lại dự luật này hoàn toàn. Ngoài ra, họ yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát trấn áp người biểu tình, cải cách dân chủ và đề nghị bà Lâm từ chức.

Phạm Nghĩa - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới