Hơn 650 triệu “cô dâu trẻ em” trên toàn cầu

Thứ tư, 31 Tháng 7 2019 16:12 (GMT+7)
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ điều tra về nạn “cô dâu trẻ em” tại nhiều quốc gia và ghi nhận khoảng 17% dân số nữ toàn cầu kết hôn trước 18 tuổi – một vấn nạn mà Liên Hiệp Quốc cố gắng loại bỏ vào năm 2030.

Katie Burns, 16 tuổi ở bang Tennessee (Mỹ) đã kết hôn với người đàn ông có tên là Ben Burns, 30 tuổi - lớn gần gấp đôi tuổi cô. Cô ấy thường được gọi là cô dâu trẻ con.

Trong mắt Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại Giao Mỹ, Katie là nạn nhân của vấn nạn lạm dụng nhân quyền. Mặc dù vậy, đối với miền Trung Tây bang Missouri thì hôn nhân của họ vẫn hợp pháp.

Missouri  là một điểm đến cho các cuộc hôn nhân trẻ em vì tiểu bang không có yêu cầu về độ tuổi tối thiểu. Chỉ những người dưới 14 tuổi mới cần có sự chấp thuận của thẩm phán. Năm 2018, tiểu bang này đã tăng tuổi kết hôn tối thiểu lên 16.

 Mẹ của cô đã phải đồng ý cuộc hôn nhân này, vì Katie đang mang thai với ông Ben. Nếu hai người không cưới nhau thì ông Ben có thể mang án tù do quan hệ với trẻ vị thành niên.

Trường hợp khác, cô bé Ashley Duncan, 15 tuổi, học sinh năm đầu tiên của trường trung học thuộc vùng nông thôn Steele, Missouri. Cũng giống như Burns, cô bé đã mang thai với bạn trai 18 tuổi. Sau nhiều năm sống chung, cô ấy đã ly thân với chồng trong nhiều năm nhưng không đủ khả năng ly hôn cho đến khi anh ấy đồng ý trả một nửa chi phí.

Cô Ashley mong muốn trường hợp của mình sẽ là sự cảnh báo về hậu quả của hôn nhân vị thành niên. "Bây giờ, tôi cảm thấy như mình đã lãng phí quá nhiều cuộc đời của mình"- cô cho biết.

Cả hai cô gái đều đánh mất tuổi thơ. Katie nói rằng cô nhớ chơi bóng mềm và Ashley nhớ những lần ngủ với bạn bè.

Hơn 650 triệu “cô dâu trẻ em” trên toàn cầu - Ảnh 1.

Ông Ben và cô Kaitie cưới nhau khi cô chỉ mới 16 tuổi và đang mang thai. Ảnh: Carolyn Presutti

Trong khi đó, cô bé Somaya, 13 tuổi, học lớp bảy ở TP Herat, Afghanistan, thổ lộ bị cha mình bán với giá 3.300 USD để kết hôn với một người con trai trong họ. Somaya kể lại sau khi chuyển đến gia đình chồng, mỗi khi hỏi liệu cô có thể quay lại lớp học không, cô đều bị cả mẹ chồng và chồng đánh.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) khẳng định rằng kết thúc hôn nhân trẻ em là mấu chốt để cải thiện sức khỏe toàn cầu, xóa đói giảm nghèo và mở rộng quyền con người.

Đến nay, dù Ấn Độ có số lượng cô dâu trẻ em cao nhất thế giới song quốc gia này gần như đã giảm một nửa tỉ lệ kết hôn trẻ em với sự tham gia của cộng đồng và hệ thống pháp luật, cùng các chương trình cho phép các cô gái tiếp tục học hành.

Gia Minh - (nld.com.vn)
 
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới