Tháng 6/1982, cuộc nội chiến Li-băng đã diễn ra được 7 năm sau khi nó bùng phát năm 1975. Đây là cuộc xung đột giữa lực lượng dân quân của Đảng Planange Cơ đốc giáo và các phe phái Hồi giáo khác nhau bao gồm Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Lợi dụng Li-băng đang lâm vào nội chiến, Israel trong năm 1982 xâm lược nước này với mục đích trục xuất PLO khỏi Li-băng.
Trong khi đó, PLO và các đồng minh Hồi giáo ở Li-băng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Syria.
Từ năm 1976, quân đội Syria đã triển khai thêm binh sĩ, xe tăng - thiết giáp, tên lửa phòng không và máy bay tới khu vực này nhằm ổn định tình hình. Họ đã chiếm thung lũng Bekaa và đường cao tốc nối liền giữa Beirut và Damascus xuyên ngang trung tâm quốc gia này.
Để bảo vệ cánh trái trước đối thủ Israel, Sư đoàn cơ giới số 10 của Syria đã triển khai dọc thung lũng Bekaa 3 lữ đoàn tên lửa phòng không nhằm đề phòng các cuộc tấn công của Không quân Israel.
Tiêm kích F-15 của Không quân Israel.
Tổng cộng Syria đã đưa 19 tổ hợp tên lửa phòng không tới khu vực này, bao gồm 2 tổ hợp SA-2 (S-75), 2 tổ hợp SA-3 (S-125) và 15 tổ hợp tên lửa phòng không cơ động SA-6 (Kub) mới nhất lúc bấy giờ.
Nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Syria, vào cuối tháng 5 cho tới đầu tháng 6/1982, PLO đã tiến hành 1 đợt tấn công bằng pháo và đạn phản lực vào miền bắc Israel khiến 60 dân thường Do Thái bị thương vong. Theo đó, PLO đã nã pháo/rocket suốt 12 ngày vào lãnh thổ phía bắc Israel. Đây là lần đầu tiên người dân Israel phải đi sơ tán kể từ năm 1947.
Nhưng Tev Avil chỉ thực sự "nổi cơn thịnh nộ" khi PLO được cho là tìm cách ám sát Đại sứ Israel ở London, Anh ngày 3/6/1982.
Để đáp trả, vào ngày 6/6/1982, 7 sư đoàn cơ giới với 60.000 binh sĩ và 500 xe tăng Israel đã tấn công miền nam Li-băng theo 3 hướng, 1 mũi tiến dọc theo đồng bằng ven biển, một mũi tiến vào vùng núi trung tâm và mũi thứ 3 tiến vào thung lũng Bekaa để bao vây sư đoàn cơ giới số 10 Syria.
Trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi triển khai quân trên mặt đất, đã có 7 tiêm kích MiG của Syria bị bắn hạ.
Tuy nhiên, cho đến ngày 8/6/1982, các đơn vị tiên phong của Israel vẫn chỉ ở của ngõ vào thung lũng Bekaa mà không thể tiến thêm được bước nào nữa khi các lực lượng Syria phòng ngự rất chặt dưới ô bảo vệ của hệ thống phòng không tích hợp mạnh mẽ. Israel buộc phải lên kế hoạch vô hiệu hóa ô phòng không của Syria ở thung lũng Bekaa.
Chiến dịch mang tên "Drugstore" đã được các tướng lĩnh Israel vạch ra không chỉ để chế áp phòng không đối phương (SEAD) mà còn ở mức cao hơn, đánh hủy diệt hệ thống phòng không đối phương (DEAD).
Tuy nhiên, Israel không thể sử dụng máy bay có người lái vì nếu xuất kích sẽ phải bay vào "tọa độ lửa". Để hạn chế thương vong, người Do Thái đã nghĩ ra một chiến thuật hết sức bất ngờ.
Ở giai đoạn mở màn của chiến dịch, Israel sử dụng một lượng lớn máy bay không người lái Delilah phóng từ mặt đất bay vào thung lũng Bekaa. Lập tức, các tổ hợp tên lửa phòng không (SAM) của Syria chuyển sang chế độ sẵn sàng chiến đấu, ngắm bắn vào các mục tiêu (Delilah) mà chúng cho là chiến đấu cơ Israel.
Đây là điều người Do Thái muốn. Hàng loạt tên lửa đất đối đất Israel bắt đầu bắn vào các trận địa SAM Syria. Một trong các loại tên lửa được sử dụng là Keres, một phiên bản cải tiến của Israel từ tên lửa chống radar AGM-78 Standard (Mỹ) trang bị trên các máy bay tiêm kích F-4 Wild Weasel.
Chỉ trong 10 phút đầu tiên của chiến dịch, 10 trong số 19 trận địa SAM của Syria đã bị vô hiệu hóa do bị trúng đạn hoặc hết đạn khi phóng tên lửa như mưa vào các "mồi nhử" - máy bay không người lái Delilah.
4 phút sau đó, một đợt tấn công ồ ạt các mục tiêu mặt đất đã được tiến hành ở thung lũng Bekaa với sự tham gia của 26 máy bay tiêm kích McDonnell Douglas F-4E Phantom và cùng chừng ấy máy bay cường kích IAI Kfir C2 do Israel chế tạo.
Trong 3 ngày không chiến trên bầu trời, từ 9-11/6/1982, Israel và Syria đều không ngừng tung ra các chiến đấu cơ chỉ mang tên lửa đối không để triệt hạ đối thủ. Ước tính có khoảng 60 chiếc tiêm kích của Không quân Syria đã tức tốc đổ dồn về vùng trời thung lũng Bekaa, nơi mà các chiến đấu cơ F-15 và F-16 Israel đang phục sẵn.
Cứ hai phi đội MiG-23BN của Syria lại bay cùng với một phi đội MiG-21 vào trận địa nhưng hầu hết đều bị bắn hạ.
Kết thúc giao tranh, Israel tuyên bố bắn rơi 88 chiến đấu cơ Syria, trong đó, tiêm kích F-15 lập 33 chiến công, F-16 lập 44 chiến công. Tổn thất bên phía Israel không được tiết lộ, nhưng được cho là 13 máy bay, bao gồm một chiếc F-16, một chiếc F-4E, một chiếc C-2, hai chiếc A-4 và vài trực thăng. F-15 không bị bắn rơi một chiếc nào.
Sau trận không chiến lịch sử ở thung lũng Bekaa nói trên, Tổng thống Syria khi đó là Hafez al-Assad đã đến Moscow yêu cầu trợ giúp khẩn cấp nhưng bị từ chối.
Sau chiến dịch không chiến lịch sử trên các chuyên gia quân sự Mỹ (Không quân và các lực lượng khác) đã tới Israel để hai thác kinh nghiệm chiến đấu của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) và Không quân Israel (IAF) và sau đó áp dụng thành công vào cuộc chiến ở Iraq. Những bài học kinh nghiệm thu được từ Chiến dịch "Drugstore" đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên chiến thuật tác chiến của Liên quân trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, tấn công Iraq.