Trung Quốc hôm 6-8 dọa sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tại châu Á và cảnh báo các đồng minh của Mỹ sẽ lãnh hậu quả nếu cho phép triển khai những loại vũ khí đó trên lãnh thổ của họ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Fu Cong, Cục trưởng Cục Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ "không ngồi im" và buộc có biện pháp đối phó nếu Washington triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á - Thái Bình Dương. Quan chức này cũng lớn tiếng cảnh báo các quốc gia khác, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc "thận trọng" và không cho phép Mỹ triển khai những loại vũ khí này trên lãnh thổ mình. Theo ông Fu, động thái này sẽ không phục vụ lợi ích an ninh của các quốc gia liên quan.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan được triển khai tuần tra ở biển Đông hôm 6-8. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Theo AP, ông Fu không tiết lộ những biện pháp trả đũa mà Trung Quốc đang cân nhắc chống lại Mỹ mà chỉ nói rằng mọi thứ đang được thảo luận. Tuy nhiên, ông Collin Koh, chuyên gia an ninh khu vực tại Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định Trung Quốc chưa bao giờ ngừng rót tài nguyên vào tên lửa và các chương trình khác. Do đó, động thái triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ trong khu vực, nếu có, sẽ được Bắc Kinh xem là "cái cớ mới" cho các chương trình như vậy.
Phản ứng trên của Trung Quốc được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi cuối tuần rồi cho biết Mỹ muốn triển khai các tên lửa tầm trung thông thường ở châu Á - Thái Bình Dương trong vòng vài tháng. Trước thông tin trên, các quan chức Úc hôm 5-8 nói không biết gì về địa điểm được chọn làm căn cứ cho số tên lửa nói trên nhưng khẳng định nước này không phải là một trong số đó.
Cũng trong cuộc họp báo hôm 6-8, ông Fu cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi tuần trước là động thái gây tác động tiêu cực trực tiếp đến sự ổn định chiến lược toàn cầu cũng như an ninh ở châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hôm 2-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh mọi hiệp ước mới nhằm ngăn chặn hoạt động gia tăng các loại tên lửa hạt nhân cần phải có sự tham gia của Trung Quốc.
Đề cập lời kêu gọi tham gia hiệp ước hạt nhân mới cùng với Mỹ và Nga, ông Fu Cong cho biết nước này không có ý định tham gia các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga khi chỉ ra khoảng cách lớn về quy mô kho vũ khí giữa Bắc Kinh và Washington, Moscow. Trung Quốc ước tính có khoảng 290 đầu đạn hạt nhân được triển khai trong khi con số này ở Nga là 1.600 và ở Mỹ là 1.750 - theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ.
Trung Quốc ngạo ngược tập trận ở biển Đông
Cục Hải sự Hải Nam của Trung Quốc hôm 5-8 ngang nhiên thông báo Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) trong 2 ngày 6 và 7-8. Theo báo Japan Times (Nhật Bản), thông báo trên cho biết tàu bè bị cấm vào khu vực tập trận nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc tập trận.
Thông tin trên được công bố giữa lúc tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan, đóng tại cảng nhà ở TP Yokosuka, tỉnh Kanagawa - Nhật Bản, tiến hành tuần tra thường lệ ở biển Đông. Là tàu sân bay duy nhất được Washington triển khai tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, tàu USS Ronald Reagan có thể chở 100 chiến đấu cơ và máy bay được sử dụng cho các hoạt động tác chiến điện tử cũng như chống ngầm.
Động thái trên của Mỹ diễn ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Esper hôm 4-8 cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Washington đặc biệt nhiều lần lên án Bắc Kinh xây đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông và quân sự hóa vùng biển này. Nỗi lo của Mỹ là các tiền đồn trái phép được Trung Quốc dựng lên có thể được sử dụng để hạn chế hoạt động đi lại tự do trên biển Đông. Để đáp trả, quân đội Mỹ đã tiến hành nhiều chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực.