Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 8-8 đã đặt tỉ giá tham chiếu nhân dân tệ (NDT) yếu hơn 7 USD lần đầu tiên sau 11 năm và 3 tháng, làm tăng thêm mối lo ngại thương chiến Mỹ - Trung sẽ leo thang thành cuộc xung đột tiền tệ.
Cụ thể, PBOC đặt tỉ lệ tham chiếu hằng ngày ở mức 7,0039 NDT/USD, giảm hơn 0,06% so với ngày hôm trước. Như thế, POBC đã thiết lập tỉ giá tham chiếu hằng ngày yếu hơn trong 6 ngày giao dịch liên tiếp kể từ 1-8 trong bối cảnh tranh chấp thương mại với Mỹ leo thang.
Theo báo Japan Times, đồng NDT yếu hơn dự kiến sẽ thúc đẩy xuất khẩu bằng cách làm cho các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất rẻ hơn và tăng giá trị doanh thu ra nước ngoài tính theo đồng NDT. Động thái mới nhất được đưa ra sau khi PBOC thực hiện các biện pháp để trấn an dư luận đối với đồng NDT, tái bảo đảm với các công ty nước ngoài rằng đồng NDT sẽ không suy yếu đáng kể và có kế hoạch bán trái phiếu ở Hồng Kông.
Trung Quốc vừa công bố dữ liệu thương mại với xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm ít hơn so với dự kiến Ảnh: REUTERS
Đồng NDT đã giảm 3,7% trong 3 tháng qua và ở mức thấp nhất kể từ năm 2015 so với rổ tiền tệ. Từ đó, dư luận lo ngại Mỹ có thể can thiệp vào thị trường hối đoái nhằm làm suy yếu đồng USD so với NDT trong nỗ lực đối phó với hành vi mà họ cho là "thao túng tiền tệ" của Trung Quốc. Tuy vậy, theo báo Caixin Global, PBOC cho rằng sự mất giá của đồng NDT gần đây chủ yếu là do thị trường tiền tệ quốc tế biến động trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi và các va chạm thương mại.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7-8 (giờ địa phương) đã ban hành quy định cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm của Công ty Công nghệ Huawei (Trung Quốc). Báo The New York Times xem đây là bước đi chiến thuật của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Lệnh cấm này - có hiệu lực vào ngày 13-8 tới - là một phần của đạo luật quốc phòng rộng lớn hơn, liên quan đến các hợp đồng mua trực tiếp thiết bị và dịch vụ viễn thông, giám sát. Quy định này cũng mở rộng đến các công ty Trung Quốc khác, gây ra nỗi quan ngại về an ninh, trong đó có ZTE (sản xuất thiết bị viễn thông), Hikvision (phát triển công nghệ nhận dạng qua khuôn mặt), Tập đoàn Viễn thông Hytera và Công ty Công nghệ Dahua. Huawei tuyên bố động thái trên của Nhà Trắng "không hề bất ngờ" nhưng cho biết sẽ tiếp tục kiện ra tòa.
Để bù đắp những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ, một số cơ quan chính phủ Trung Quốc đang soạn thảo chính sách và xem xét sửa đổi danh mục chỉ định những công nghệ nào nên được nhập khẩu - theo báo China Securities, do Tân Hoa Xã điều hành. Ngoài ra, họ cũng đang xem xét mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới và ra mắt các khu vực thương mại nhập khẩu mới.
Theo đài CNN, Trung Quốc có một vũ khí cực kỳ mạnh mẽ trong tay: Họ là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ. Về lý thuyết, Bắc Kinh có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường trái phiếu bằng cách bán một phần trong số 1.100 tỉ USD trong Kho bạc Mỹ mà họ sở hữu.
Theo Reuters, giá cổ phiếu châu Á hôm 8-8 đã nhích lên khi Bắc Kinh công bố dữ liệu thương mại vững chắc đáng kinh ngạc. Các số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng 3,3% trong tháng 7 vừa qua, so với mức giảm dự báo 2%. Nhập khẩu của nước này giảm 5,6% trong tháng 7, ít hơn so với mức dự kiến 8,3%.