Theo đài CNN, thông tin cá nhân nói trên bao gồm cả tên những đứa con của nhà ngoại giao Mỹ.
Báo Ta Kung Pao xác định nhà ngoại giao Mỹ là bà Julie Eadeh, đồng thời đăng tải các bức ảnh về cuộc gặp giữa người phụ nữ với nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong và những thành viên Đảng Demosisto tại một khách sạn sang trọng. Tờ báo thân Bắc Kinh này còn công bố tên của chồng bà Eadeh và các con.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus lên án Trung Quốc đã cư xử vô trách nhiệm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. Ảnh: AP
"Tôi không nghĩ rằng việc rò rỉ thông tin cá nhân của một nhà ngoại giao Mỹ, hình ảnh, tên của con cái họ - là một hành động phản đối chính thức. Đó không phải là cách một quốc gia có trách nhiệm hành xử. Việc tiết lộ bất kỳ thông tin cá nhân nào của một nhà ngoại giao Mỹ là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được" – bà Ortagus gay gắt lên án.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm việc các nhà ngoại giao nước này gặp gỡ người biểu tình và nhân vật đối lập là điều bình thường, bất kể họ làm việc ở đâu. "Điều này xảy ra ở mỗi quốc gia nơi Mỹ đặt đại sứ quán. Vì vậy, nhà ngoại giao của chúng tôi đã làm công việc của bà ấy. Chúng tôi ca ngợi công việc bà ấy đã làm" – bà Ortagus nhấn mạnh.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Eadeh từng làm việc tại Trung Quốc, Ả Rập Saudi và Iraq.
Trước đó, Trung Quốc đổ lỗi cho các lực lượng nước ngoài, đặc biệt là Washington, khuấy động làn sóng biểu tình ở Hồng Kông. Thành viên Hội đồng Hành pháp Hồng Kông Ip Kwok-him cũng kêu gọi cảnh sát truy lùng những kẻ "xúi giục và chỉ đạo, gây ra tình trạng bất ổn tại đặc khu".
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền Hồng Kông nói với đài CNN rằng họ không thấy bằng chứng về cái gọi là "bàn tay đen" liên quan tới các cuộc biểu tình. Thay vào đó, khủng hoảng xảy ra là do cải cách chính trị, thiếu nhà ở giá rẻ và bất ổn kinh tế.