Mục tiêu năm 2050 của Trung Quốc khó thành

Thứ hai, 12 Tháng 8 2019 08:15 (GMT+7)
Trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện tham vọng biến Trung Quốc thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới trước năm 2050.

Theo Bloomberg, với chính sách cứng rắn nhằm vào kinh tế Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng khó thành hiện thực, đặc biệt là khi nền kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt hàng loạt thách thức, như mức nợ tăng rất cao, ô nhiễm môi trường và dân số già hóa. Có nguy cơ Trung Quốc sẽ mắc kẹt trong "bẫy thu nhập trung bình" trước khi vươn tới tầm phát triển của các nước giàu có.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định chính phủ Trung Quốc có thể tránh rủi ro trên bằng cách đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, giải phóng thị trường và tăng cường sức mạnh công nghệ. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng.

Mục tiêu năm 2050 của Trung Quốc khó thành - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhật Bản hồi 29-6. Ảnh: REUTERS

Kể từ năm 1960, chỉ có 5 quốc gia đang phát triển có thể vươn mình thành quốc gia phát triển trong khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao - theo ông Michael Spence, Trường Kinh doanh Stern thuộc Trường ĐH New York. "Sức ép lớn từ Mỹ đang khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong hành trình thực hiện tham vọng của mình" - ông Andrew Polk, nhà đồng sáng lập Công ty Nghiên cứu Trivium China ở Bắc Kinh, chia sẻ.

Trước đó, vào hôm 9-8, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã nêu bật thách thức mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải đối mặt khi nhấn mạnh nếu Trung Quốc không đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ, mục tiêu kinh tế dài hạn mà ông đặt ra có thể thất bại.

Khả năng Mỹ - Trung đạt được một thỏa thuận thương mại trong thời gian gần là rất thấp. Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế bổ sung đối với 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã trả đũa bằng việc ngưng mua nông sản Mỹ và hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đáp trả vài giờ sau đó khi chính thức gọi Trung Quốc là quốc gia "thao túng tiền tệ".

"Căng thẳng thương chiến chắc chắn khiến quá trình chuyển đổi của Trung Quốc khó thực hiện hơn. Trung Quốc sẽ mất một số thị phần xuất khẩu trong khi quá trình tiếp cận công nghệ Mỹ của họ sẽ chậm lại" - chuyên gia kinh tế Michelle Lam, từ Công ty Dịch vụ tài chính Société Générale ở Hồng Kông, nhận định.

Cao Lực - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới