Tại cuộc họp báo diễn ra một ngày sau khi sân bay quốc tế Hồng Kông "thất thủ" trước người biểu tình, bà Lâm cho rằng bạo lực sẽ đẩy xã hội địa phương này vào tình thế rất đáng lo và nguy hiểm.
Dù vậy, bà Lâm đã né tránh câu hỏi về việc liệu bà có khả năng chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay bằng cách chấp nhận một trong những yêu cầu chủ chốt của người biểu tình: rút hoàn toàn dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Trung Quốc cho rằng các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hồng Kông trong 2 tháng qua bắt đầu xuất hiện "mầm mống khủng bố". Một số chuyên gia cho rằng mô tả này có thể dẫn đến việc áp dụng luật chống khủng bố nhằm vào người biểu tình.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đối mặt những người kiến nghị bên ngoài văn phòng ở Hồng Kông hôm 13-8. Ảnh: Reuters
Phe biểu tình đang cáo buộc cảnh sát lạm dụng vũ lực chống lại họ và kêu gọi cuộc điều tra độc lập nhằm vào cuộc khủng hoảng.
Hoạt động tại sân bay Hồng Kông được nối lại một ngày sau khi phe biểu tình chiếm nơi này hôm 12-8, khiến mọi chuyến bay đến và đi bị hủy. Dù vậy, vẫn còn hơn 200 chuyến bay bị hủy trong ngày 13-8.
Trong khi đó, đã xuất hiện cảnh báo căng thẳng chính trị giờ đây có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hồng Kông
Các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp đang ngày càng lo lắng về tác động tiêu cực từ 10 tuần biểu tình giữa lúc không có dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ bớt căng thẳng thời gian tới.
Cổ phiếu tại Hồng Kông đã mất gần 500 tỉ USD giá trị kể từ khi biểu tình leo thang vào đầu tháng 6. Các chỉ số chứng khoán của đặc khu này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua hôm 12-8 sau khi đụng độ bạo lực nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát vào cuối tuần rồi.
Sân bay quốc tế Hồng Kông hoạt động trở lại hôm 13-8. Ảnh: Reuters
Nỗi lo trong ngắn hạn là kinh tế Hồng Kông đang trên đường hướng đến suy thoái do ảnh hưởng của bất ổn địa phương và thương chiến Mỹ - Trung.
Về lâu dài, nỗi lo lớn hơn là vị thế trung tâm tài chính an toàn, đáng tin cậy của Hồng Kông có thể bị những thiệt hại không thể bù đắp được.
Ông Rory Green, nhà kinh tế học tại Công ty tư vấn TS Lombard, cho rằng biểu tình sẽ gây ra nhiều thách thức dàn hạn cho vai trò trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.
Bất ổn gia tăng, nếu có, sẽ khiến kinh tế Hồng Kông thêm u ám. GDP của địa phương này trong quý 2-2019 đã giảm 0,3% so với quý trước đó. Bà Iris Pang, chuyên gia tại Ngân hàng ING (Hà Lan), dự báo kinh tế Hồng Kông sẽ rơi vào suy thoái.
Cảnh sát và người biểu tình đụng độ ở Hồng Kông hôm 11-8. Ảnh: Reuters
Chưa hết, các nhà đầu tư còn đang chờ xem Trung Quốc sẽ đối phó với người biểu tình ra sao.
Ngay cả khi kịch bản xấu không xảy ra, sức hút của Hồng Kông trong mắt các công ty và nhà đầu tư quốc tế sẽ không còn như trước - ông Brock Silvers, một nhà quản lý tại Công ty Kaiyuan Capital (Trung Quốc), nhận định.
Theo ông Silvers, các cuộc biểu tình hiện nay là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với kinh tế Hồng Kông trong những thập kỷ gần đây và nếu khủng hoảng chính trị vẫn tiếp diễn, sức hấp dẫn của đặc khu hành chính này sẽ thua sút những trung tâm tài chính khác.