Cơ quan hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga cho biết vụ tai nạn ở miền Bắc nước Nga mới xảy ra hôm 8-8 trong vụ thử tên lửa trên một nền hệ thống trên biển ở Biển Trắng, khiến 5 người thiệt mạng và 3 người bị thương.
Mức độ phóng xạ ở Severodvinsk thuộc vùng Arkhangelsk của Nga do vụ nổ tên lửa đã vượt quá 4-16 lần. Ảnh: Twitter NewsUKR
Bất chấp vụ nổ, Nga cam kết tiếp tục phát triển vũ khí mới và cho biết Moscow đi trước các quốc gia khác trong việc phát triển vũ khí như vậy.
"Tổng thống của chúng tôi đã nhiều lần nói rằng kỹ thuật của Nga trong lĩnh vực này vượt xa đáng kể mức độ mà các quốc gia khác đã đạt được trong thời điểm này và nó khá độc đáo" - phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói với Reuters.
Tên lửa liên lục địa Sarmat mới của Nga. Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump hôm 12-8 đã viết trên trang Twitter rằng Mỹ học được rất nhiều từ vụ nổ của Nga, mà ông cho là có liên quan đến một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân mới, được NATO mệnh danh là Skyfall.
Ngoài ra, ông Trump còn tuyên bố rằng Mỹ có công nghệ tương tự nhưng tiên tiến hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin năm ngoái đã công bố tên lửa mới, được gọi là 9M730 Burevestnik. Moscow tự hào rằng vũ khí mới sẽ có phạm vi hoạt động không giới hạn và không thể bị ngăn chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ nào.
Vụ nổ tên lửa của Nga tuần trước có thể có liên quan ở mức độ nghiêm trọng trong cuộc đua phát triển tên lửa tầm xa.
Nga tuyên bố tên lửa 9M730 Burevestnik không thể bị ngăn chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ nào. Ảnh: WORLD IN WAR
Chính quyền địa phương đã khuyên cư dân của ngôi làng Nyonoksa gần đó nên sơ tán trong quá trình dọn dẹp khu vực.
Khoảng 450 người sống trong ngôi làng, nằm cạnh một khu vực thử nghiệm quân sự và nơi mức độ phóng xạ tăng vọt sau vụ tai nạn.
Căng thẳng đã gia tăng giữa Washington và Moscow về các vấn đề kiểm soát vũ khí. Mỹ đã chính thức rời khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga hôm 9-8 vừa qua.
Hiệp ước INF, được ký vào năm 1987, nhằm ngăn chặn Mỹ và Nga phát triển và có các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Mỹ tuyên bố Moscow đã vi phạm hiệp ước trong nhiều năm nhưng Nga phủ nhận.