Động thái trên diễn ra sau khi tòa án Gibraltar vẫn phán quyết thả tàu Grace 1.
Trước đó, tòa án này trì hoãn quyết định thả Grace 1 do Bộ Tư pháp Mỹ nộp đơn vào phút chót, đề nghị gia hạn việc tạm giữ tàu của Iran.
Trong một tuyên bố vài giờ sau khi tàu Grace 1 được thả, Washington cảnh báo sẽ không cho phép Iran hoặc bất kỳ quốc gia nào khác phớt lờ lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria vì "sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường".
Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo cho biết chính phủ Iran đã đảm bảo bằng văn bản rằng con tàu sẽ không chở dầu thô đến Syria.
Tàu chở dầu Grace 1 của Iran. Ảnh: Reuters
Phản ứng sau khi tòa án Gibraltar tuyên bố sẽ cho phép tàu Grace 1 rời khỏi lãnh thổ Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tối 15-8 viết trên mạng xã hội Twitter: "(Mỹ đã) thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu thông qua khủng bố kinh tế. Họ cố gắng lạm dụng hệ thống pháp lý để đánh cắp tài sản của chúng tôi trên biển. Nỗ lực vi phạm này là biểu hiện của sự coi thường luật pháp của chính quyền Tổng thống Donald Trump".
Tàu Grace 1, được cho là chở theo 2,1 triệu thùng dầu thô, bị bắt giữ vào ngày 4-7 trong một chiến dịch của Hải quân Hoàng gia Anh ngoài khơi Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh. Con tàu bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Syria.
Hai tuần sau, Iran bắt tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh, để trả đũa. Mỹ mô tả hành động của Iran là "bất hợp pháp" bên cạnh cáo buộc nước này chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công tàu chở dầu hồi tháng 5 và tháng 6.
EU đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Syria và áp đặt một loạt hạn chế riêng đối với nước này, bao gồm cấm vận dầu mỏ, giới hạn một số loại hình đầu tư và đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Syria tại EU.