Tại Hội nghị Quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 7 diễn ra ở TP Yokohama - Nhật Bản vào cuối tháng này, Nhật Bản được cho là sẽ cam kết viện trợ hơn 300 tỉ yen (2,83 tỉ USD) cho châu lục này, theo báo South China Morning Post (SCMP). Đáng chú ý, Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao hội nghị này bởi trong quá khứ, Tokyo từng dùng TICAD để chỉ trích chính sách cho vay của Bắc Kinh ở châu Phi và bày tỏ nỗi lo các quốc gia tại châu lục này có thể rơi vào "bẫy nợ" của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo giới phân tích, Nhật Bản sẽ sử dụng TICAD năm nay, dự kiến diễn ra từ ngày 28 đến 30-8, để xoáy sâu vào sự khác biệt trong cách tiếp cận hỗ trợ phát triển châu Phi giữa họ và Trung Quốc. Theo đó, Tokyo sẽ nhấn mạnh đến sự minh bạch lớn hơn trong hợp đồng vay mượn, chất lượng cao hơn trong dự án cơ sở hạ tầng nhưng vẫn bảo đảm đối tác sẽ không vướng vào những khoản nợ khổng lồ. "Những từ như "chất lượng", "minh bạch" và "bền vững" sẽ được lặp lại rất nhiều lần trong suốt sự kiện" - ông Eric Olander, Tổ chức Dự án Trung Quốc châu Phi (CAP), khẳng định.
Hội nghị Quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi hồi tháng 10-2018 Ảnh: THE YOMIURI SHIMBUN
Mặc dù cả Nhật Bản và Trung Quốc đều viện trợ và đầu tư vào châu Phi nhưng quy mô rất khác nhau. Thương mại giữa Nhật Bản và châu Phi chỉ là một phần nhỏ so với thương mại giữa Trung Quốc và châu lục này. Trong khi đó, thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường", Bắc Kinh tiếp tục gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi bằng việc viện trợ và xây dựng nhiều dự án lớn, bao gồm đường sắt Addis Ababa-Djibouti kết nối Ethiopia với Cộng hòa Djibouti.
Để cạnh tranh với sáng kiến "Vành đai và Con đường" nói riêng cũng như sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc nói chung tại châu Phi, Nhật Bản triển khai sáng kiến Hàng lang Tăng trưởng Á - Phi (AAGC); viện trợ và xây dựng hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng; tăng cường thiết lập quan hệ với các nước châu Phi thông qua viện trợ nước ngoài.
Theo ông Ryo Hinata-Yamaguchi, chuyên gia tại Trường ĐH Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), châu Phi "có vai trò quan trọng về mặt kinh tế đối với Nhật Bản, cả về thương mại lẫn đầu tư". Trước đó, tại TICAD 2016, Nhật Bản cam kết viện trợ khoảng 30 tỉ USD phát triển công - tư cho châu Phi trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cam kết viện trợ gấp đôi số tiền này tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FCAC) diễn ra ở Bắc Kinh vào năm ngoái.
Theo giới phân tích, TICAD năm nay được đặc biệt chú ý - cả về số tiền mà Tokyo cam kết viện trợ cho châu Phi lẫn cách thức mà họ khắc họa bản thân như là một phương án thay thế Bắc Kinh đối với châu lục này.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo dẫn các nguồn thạo tin cho biết tại TICAD năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến công bố chính sách hỗ trợ các công ty Nhật Bản muốn hoạt động trong khu vực cũng như các biện pháp hỗ trợ kinh tế cho châu Phi, bao gồm triển khai chuyên gia tài chính đến hỗ trợ những quốc gia đang gặp khủng hoảng nợ nần. Theo SCMP, hiện có gần 1.000 công ty Nhật Bản hoạt động ở châu Phi, bao gồm Nissan và Toyoto, song con số này chỉ bằng 10% công ty Trung Quốc hoạt động trong khu vực.
Tokyo vượt Bắc Kinh tại Đông Nam Á
Nhật Bản vẫn đang dẫn trước Trung Quốc trong cuộc đua cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, theo dữ liệu mới nhất từ Fitch Solutions - công ty con của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch. Cụ thể, các dự án do Nhật Bản hỗ trợ ở 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) hiện có tổng giá trị 367 tỉ USD, so với 255 tỉ USD của Trung Quốc.
Theo trang Bloomberg, số liệu này cho thấy không chỉ nhu cầu cơ sở hạ tầng bùng nổ ở Đông Nam Á mà còn là sự thắng thế của Nhật Bản trước Trung Quốc tại khu vực này, bất chấp nỗ lực thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh. Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính trong giai đoạn 2016-2030, các nền kinh tế Đông Nam Á cần 210 tỉ USD/năm để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm bắt kịp đà tăng trưởng kinh tế.