Đàm phán Mỹ - Taliban đối mặt hoài nghi, chỉ trích

Thứ hai, 19 Tháng 8 2019 09:00 (GMT+7)
Dư luận Afghanistan hôm 18-8 đã nghi ngờ tính hiệu quả của cuộc đàm phán với Taliban nhằm đưa quân đội Mỹ rời khỏi nước này và kết thúc chiến tranh sau khi xảy ra vụ đánh bom tự sát tại tiệc cưới ở thủ đô Kabul đêm hôm trước, làm 63 người thiệt mạng và 182 người bị thương.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho rằng phong trào Taliban không thể thoát khỏi trách nhiệm về vụ tấn công dã man này dù Taliban đã phủ nhận sự liên can và lên án vụ tấn công xảy ra tại một cộng đồng thiểu số người Hồi giáo dòng Shiite ở phía Tây Kabul. Giới truyền thông địa phương hoài nghi chuyện Taliban từ chối đứng sau vụ việc. "Bọn họ đã biến đất nước 30 triệu dân thành một lò mổ" - Tabish Forugh, nhà báo người Afghanistan, lên án Taliban. Trong khi đó, ông Tawab Ghorzang, cố vấn của Bộ Giao thông Vận tải, nhận định các cuộc đàm phán với Taliban đã trao cho phong trào này tính hợp pháp.

Đàm phán Mỹ - Taliban đối mặt hoài nghi, chỉ trích - Ảnh 1.

Một người đàn ông khóc thương người thân thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào một tiệc cưới ở Kabul hôm 17-8 Ảnh: REUTERS

Vụ tấn công đẫm máu trên diễn ra giữa lúc Taliban và Mỹ đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận rút lực lượng Mỹ về nước để đổi lấy cam kết của Taliban về việc tham gia cuộc đàm phán an ninh và hòa bình với chính phủ Afghanistan do Washington hậu thuẫn. Các thành viên cao cấp Taliban hôm 17-8 cho biết vụ em trai thủ lĩnh của họ thiệt mạng trong vụ đánh bom một nhà thờ Hồi giáo ở Pakistan một ngày trước sẽ không làm hỏng các cuộc đàm phán với Mỹ. Dù vậy, theo Reuters, chính phủ Afghanistan không tham gia vào các cuộc đàm phán này vì Taliban từ chối nói chuyện với chính quyền bị họ xem là "con rối" của Mỹ.

Cả Mỹ và Taliban đều đạt tiến triển sau 8 vòng đàm phán kể từ cuối năm ngoái. Cụ thể, theo thỏa thuận dự kiến được báo The Washington Post tiết lộ hôm 17-8, đợt rút quân ban đầu sẽ bao gồm khoảng 5.000 trong số 14.000 lính Mỹ ở Afghanistan. Đổi lại, Taliban sẽ đồng ý từ bỏ al-Qaeda và không cho phép mạng lưới khủng bố này hoạt động trong các khu vực dưới sự kiểm soát của họ. Ngoài ra, Taliban dự kiến cam kết đàm phán chia sẻ quyền lực và đồng ý ngừng bắn. Còn chính phủ Afghanistan khẳng định ngừng bắn phải là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào.

Tổng thống Donald Trump lâu nay không che giấu mong muốn rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến này. Tuy vậy, giới chức Afghanistan và các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lo ngại bước đi này có thể đẩy Afghanistan vào cuộc nội chiến mới với kết cục tiềm tàng là sự trở lại cầm quyền của Taliban trong lúc các phần tử khủng bố quốc tế có thể tìm thấy nơi ẩn náu ở đó. Theo trang The Hill, thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa ở Mỹ thậm chí lên tiếng cảnh báo về nguy cơ phạm sai lầm lớn nếu đặt niềm tin vào Taliban trong việc kiểm soát các tổ chức cực đoan Hồi giáo khác ở Afghanistan.

Lục San - (nld.com.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới