Đó là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo dài 104 trang của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Trường ĐH Sydney (Úc). Báo cáo này đã đánh giá chiến lược, chi tiêu và liên minh quân sự của Mỹ trong khu vực.
Với việc Trung Quốc đạt tiến bộ công nghệ nhanh chóng và tăng cường sức mạnh vũ khí, báo cáo kêu gọi Mỹ và các đồng minh khu vực như Úc và Nhật Bản xem xét lại các kế hoạch đầu tư và triển khai quân sự hoặc đối mặt với khả năng quân sự ưu việt của Mỹ bị đe dọa trước Trung Quốc.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 094A lớp Jin của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tác giả chính của báo cáo Ashley Townshend cho rằng sự cân bằng quyền lực đang thay đổi trong khu vực cần được quan tâm đối với tất cả các quốc gia châu Á, bao gồm cả những nước tìm cách duy trì mối quan hệ với hai siêu cường.
Theo ước tính của các tác giả báo cáo, lực lượng tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 450 tên lửa tầm trung, 160 tên lửa tầm xa và hàng trăm tên lửa hành trình trên bộ tầm xa. Các tên lửa đạn đạo này có thể bắn xa đến tận Singapore, nơi Mỹ có cơ sở hậu cần lớn, cũng như các căn cứ lớn của Washington ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc cũng sở hữu tên lửa "sát thủ tàu sân bay" như DF-21D có thể bắn tàu sân bay Mỹ đang di chuyển ở khoảng cách lên đến 1.500 km.
Báo cáo của Úc cho biết kho vũ khí tên lửa tầm xa chính xác của Trung Quốc đã đặt ra mối đe dọa đối với hầu hết các căn cứ, liên minh và đối tác của Mỹ, đường băng, cảng và các căn cứ quân sự ở Tây Thái Bình Dương. Báo cáo cho rằng: "Các cơ sở này có thể trở nên vô dụng trước các cuộc tấn công chính xác trong vài giờ đầu xung đột, mối đe dọa tên lửa của PLA thách thức khả năng của Mỹ tự do vận hành lực lượng của mình trong khu vực".
Nếu xảy ra kịch bản xung đột, Mỹ sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn tham gia vào một cuộc xung đột có khả năng rất tốn kém và nguy hiểm hoặc chọn cách không can thiệp, điều này góp phần làm tăng khả năng chiến thắng của Bắc Kinh.