"Về cơ bản, đây là một bản hợp đồng bất động sản lớn. Rất nhiều điều có thể được thực hiện. Đan Mạch đang chịu tổn thất vì mỗi năm họ phải chi gần 700 triệu USD để gánh vác nơi này" - Tổng thống Donald Trump khẳng định, đồng thời nói thêm vùng lãnh thổ này có "ý nghĩa về mặt chiến lược" với Washington. "Mỹ là đồng minh rất tốt của Đan Mạch… Chúng tôi quan tâm đến hòn đảo này và sẽ dành chút ít thời gian để bàn bạc với họ" - Tổng thống Donald Trump nói thêm.
Cùng ngày, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã bác ý tưởng bán Greenland cho Mỹ, khi tuyên bố: "Greenland không phải Đan Mạch. Greenland thuộc về Greenland. Tôi hy vọng đó không phải là một ý định nghiêm túc".
Dù vậy, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định với Fox News rằng Tổng thống Donald Trump hoàn toàn nghiêm túc với ý định của mình và họ đang xem xét vấn đề này. Theo ông Kudlow, nhiều năm trước một tổng thống Mỹ khác là ông Harry Truman cũng đã cân nhắc mua Greenland với lập luận rằng Đan Mạch nên bán lãnh thổ này cho Mỹ vì họ là đồng minh. "Greenland là một khu vực chiến lược…, sở hữu rất nhiều khoáng sản giá trị" - ông Kudlow giải thích.
Căn cứ không quân Thule của Mỹ ở Greenland Ảnh: Không quân Mỹ
Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động tại Bắc Cực có thể là nguyên nhân sâu xa khiến chính quyền Tổng thống Trump muốn mua Greenland - vùng lãnh thổ nằm giữa Bắc Cực và Đại Tây Dương. Trong bối cảnh băng tan nhanh khiến Bắc Cực dễ tiếp cận hơn, Washington ngày càng quyết tâm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Năm ngoái, Trung Quốc tự tuyên bố họ là "quốc gia gần Bắc Cực", đồng thời lên tiếng bảo vệ sáng kiến "Con đường Tơ lụa Bắc Cực" để vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu bằng đường biển. Gần đây, Bắc Kinh tiếp tục khiến Washington lo ngại khi tìm cách hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng 3 sân bay mới ở Greenland, buộc Lầu Năm Góc nêu vấn đề với Đan Mạch và kêu gọi chính phủ nước này tự viện trợ cho các dự án thay vì dựa vào Trung Quốc.