Theo báo cáo mới của tổ chức nghiên cứu Trung tâm Cải tiến Dữ liệu, Trung Quốc sẽ nhanh chóng bắt kịp Mỹ về trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt về dữ liệu và ứng dụng. Bắc Kinh đang phấn đấu để trở thành lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực này trước năm 2030.
"So với phương Tây, văn hóa tận dụng công nghệ của Trung Quốc có xu hướng sẵn sàng tiếp nhận trí tuệ nhân tạo nếu mang đến lợi ích xã hội, cho dù một số cá nhân nghi ngại về vấn đề đạo đức liên quan đến AI" – tổ chức nghiên cứu cho biết.
Trung Quốc sẽ nhanh chóng bắt kịp Mỹ về trí tuệ nhân tạo. Ảnh: The Verge
Với gần 1,4 tỉ dân và 829 triệu người dùng mạng, nhiều chuyên gia phán đoán Trung Quốc sẽ thích ứng nhanh chóng với ứng dụng AI trong lúc công nghệ này đang tiếp cận vào các nguồn dữ liệu khổng lồ, đươc xem như "dầu mỏ" cho sự phát triển AI trong tương lai.
AI giữ vai trò chính trong kế hoạch chiến lược "Made in China 2025" của Bắc Kinh, kế hoạch này hy vọng nâng cấp các ngành công nghiệp lên chuỗi giá trị thay thế.
Trong đó, thay thế nhập khẩu bằng sản phẩm nội địa và phát triển các đơn vị dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ hiện đại để đọ sức với các gã khổng lồ của phương Tây. Cụ thể, chuyển đổi từ robot và hàng không vũ trụ sang các chất liệu và phương tiện sử dụng nguồn năng lượng mới.
Lộ trình với 3 giai đoạn gồm mục tiêu Trung Quốc theo kịp công nghệ và ứng dụng AI nói chung trước năm 2020, đạt được các khám phá quan trọng trước năm 2025 và cuối cùng trở thành lãnh đạo thế giới với ngành công nghiệp quốc nội đạt 150 tỉ USD (gần 3,500 tỉ đồng) trước năm 2030.
Mỹ vẫn dẫn đầu AI về kỹ năng, hoạt động nghiên cứu, phát triển và phần cứng. Ảnh: Center for Data Innovation
Chắc chắn rằng Mỹ vẫn sẽ dẫn đầu AI về kỹ năng, hoạt động nghiên cứu, phát triển và phần cứng. Cụ thể, Trung Quốc vẫn đi sau về năng lực AI chất lượng cao và khả năng phát triển các vi mạch bán dẫn cung cấp cho hệ thống AI - báo cáo của Trung tâm Cải tiến Dữ liệu cho biết.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực đời sống từ việc bắt tội phạm, phát hiện ung thư cho đến phát triển xe tự lái. Những gã khổng lồ công nghệ như Baidu, Tencent Holdings và Alibaba Group Holding đã đầu tư hàng tỉ USD vào AI để củng cố hệ sinh thái của mình.
Chính phủ Trung Quốc đang rót tiền vào ngành công nghiệp vi mạch quốc nội để tự cung cấp một cách tốt hơn. Quỹ Đầu tư Mạch tích hợp bán dẫn Trung Quốc, còn được biết đến là quỹ Big Fund, mong muốn kêu gọi khoảng 200 tỉ nhân dân tệ (hơn 650 tỉ đồng) trong vòng gọi vốn thứ hai để đầu tư vào các công ty vi mạch nội địa, theo báo cáo của Bloomberg hồi tháng 3.