Cuộc đua hạt nhân nguy hiểm hơn

Thứ tư, 21 Tháng 8 2019 08:19 (GMT+7)
Ít nhất là trong tương lai gần, rõ ràng Mỹ và Nga đều có ý định triển khai tên lửa hạt nhân tầm ngắn

Moscow hôm 20-8 tuyên bố Mỹ gia tăng căng thẳng quân sự qua hành động thử nghiệm tên lửa hành trình tầm trung hôm 18-8 (giờ địa phương) sau khi xé bỏ hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga cách đây chưa đầy 1 tháng.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng động thái này của Mỹ là bằng chứng cho thấy từ lâu Mỹ đã chuẩn bị phá bỏ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF). "Mỹ rõ ràng đã thực hiện đường lối theo hướng leo thang căng thẳng quân sự... Chúng tôi sẽ không cho phép bản thân bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém" - ông Ryabkov nói với hãng thông tấn TASS, đồng thời quả quyết Nga không định triển khai bất kỳ tên lửa mới nào trừ phi Mỹ làm điều đó trước.

Vào ngày 18-8, quân đội Mỹ đã bắn thử nghiệm tên lửa hành trình hạt nhân tầm trung phóng từ mặt đất mới. Theo tạp chí Time, cuộc thử nghiệm này đánh dấu một kỷ nguyên mới của quân đội Mỹ sau sự sụp đổ của INF hôm 2-8.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng tên lửa mới được thử nghiệm được cấu hình theo quy ước, có nghĩa là nó không được trang bị đầu đạn hạt nhân. Thế nhưng, tạp chí The National Interest khẳng định đó đúng là loại tên lửa đã bị INF cấm trước khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump chính thức khai tử nó. Đó dường như là phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ triển khai các phiên bản phóng từ biển và trên không.

Cuộc đua hạt nhân nguy hiểm hơn - Ảnh 1.

Mỹ thử nghiệm loại tên lửa đã bị INF cấm trước khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump chính thức khai tử nó Ảnh: TNI

Vẫn chưa rõ Lầu Năm Góc dự định làm gì với bất kỳ hệ thống tên lửa tầm trung mới nào. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã chỉ ra cơ hội triển khai ở châu Á, ngoài châu Âu...

Sự kiện INF bị xé bỏ cùng với các cuộc thử nghiệm vũ khí mới đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi về một cuộc chạy đua vũ trang đang nóng lên. Như nhận định của tạp chí The National Interest, ít nhất là trong tương lai gần, rõ ràng Mỹ và Nga đều có ý định triển khai tên lửa hạt nhân tầm ngắn.

Trong khi đó, báo The Guardian (Anh) nhận định cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân được nối lại là một sản phẩm của quan điểm "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.

Sự nhấn mạnh của ông Donald Trump về việc bảo vệ quê hương đang dẫn đến hành vi quân sự hóa xã hội Mỹ, cho dù ở biên giới Mexico, trên các đường phố nội thành hay trong cách xử lý vấn đề an ninh quốc tế.

Thực sự là cuộc đua vũ trang đã trở lại và nguy hiểm hơn trước. Ngày 16-8, Triều Tiên đã bắn thử các tên lửa đạn đạo hạt nhân, vòng thử nghiệm thứ 6 kể từ tháng 7 năm nay. Chưa hết, các chuyên gia kiểm soát vũ khí còn lưu ý đến kho vũ khí hạt nhân chưa được khai báo của Israel và nguy cơ về một quả bom do Ả Rập Saudi phát triển. Hơn nữa, dư luận còn kinh hoàng trước ý tưởng rằng Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

Viễn cảnh ác mộng về thế giới trông như thế nào khi vũ khí hạt nhân không được kiểm soát chặt chẽ đã hiển hiện trong mấy tuần gần đây, khi Nga thất bại trong việc phóng thử nghiệm tên lửa hành trình mới hôm 8-8 với 7 nhà khoa học hạt nhân thiệt mạng và mức độ phóng xạ tăng đột biến.

Báo The Wall Street Journal đưa tin các trạm theo dõi bức xạ xung quanh Nga đã trở nên im ắng, làm dấy lên mối lo ngại Điện Kremlin có thể che giấu bằng chứng về bụi phóng xạ từ vụ nổ tên lửa. Cơ quan thời tiết của Nga, Rosgidromet, đã ghi nhận mức độ phóng xạ tăng lên cao gấp 16 lần so với bình thường. 

Bài viết mới nhất của Thế Giới