Số phận Thổ Nhĩ Kỳ "an bài" ở Syria: Liều lĩnh đấu với Nga hay rút lui trong thế "ngẩng cao đầu"?

Thứ bảy, 24 Tháng 8 2019 07:17 (GMT+7)
Thổ Nhĩ Kỳ có quá ít sự lựa chọn của mình ở Idlib, trong khi ưu tiên của Nga ở Syria không phải là quốc gia mà họ vừa bán hệ thống phòng không S-400.

Tiêu điểm - Số phận Thổ Nhĩ Kỳ 'an bài' ở Syria: Liều lĩnh đấu với Nga hay rút lui trong thế 'ngẩng cao đầu'?

Quân đội Syria đã có những bước tiến mới ở Idlib, nguy cơ đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cái kết cho Thổ Nhĩ Kỳ

Chuyện gì đến cũng đã phải đến. Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với quân đội chính phủ Syria dưới sự hỗ trợ bởi lực lượng không quân Nga ở Idlib; căn cứ nổi dậy cuối cùng của phe đối lập.

Đầu tuần này, quân Chính phủ đã chiếm được thành phố chiến lược Khan Sheikhun và kiểm soát các phần của đường cao tốc nối giữa Hama và Idlib. Nhóm nổi dậy chính tại đây là Hayat Tahrir Al Sham (HTS) đã mất quyền kiểm soát thị trấn và làng mạc từng chiếm đóng trong nhiều năm.

Nhưng quan trọng hơn, một đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đã bị không kích ở phía Bắc Khan Sheikhun.

Theo tiến trình Astana, hầu hết khu vực Idlib được chỉ định nằm trong khu vực giảm leo thang. Nhưng trong nhiều tháng nay, quân Chính phủ đã đẩy mạnh các cuộc tấn công để đòi lại lãnh thổ quan trọng này.

Chưa bao giờ, khả năng một sự biến cố quân sự giữa Damascus và Ankara lại dễ xảy ra và nguy hiểm như vậy, tờ Gulf News nhận định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đặt mình vào một tình huống khó khăn. Trong nhiều năm qua, ông đã nỗ lực xây dựng sự hiện diện ở miền Bắc Syria với mong muốn sẽ có được chỗ đứng dài hạn ở quốc gia này.

Quân đội của ông đã can thiệp hai lần trong 5 năm qua để đẩy lùi lực lượng người Kurd ở phía Đông Euphrates.

Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đồng ý về lộ trình quản lý thành phố trọng yếu Manbij và loại bỏ dân quân người Kurd khỏi đó. Thỏa thuận đã không được thực hiện, gây ra nỗi thất vọng cho ông Erdogan.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc ủng hộ các lực lượng đối lập ở Idlib, bao gồm HTS, vốn được coi là một tổ chức khủng bố có quan hệ với Al Qaida.

Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với quân đội Syria khi nước này tiến hành tiến công ở Idlib. Ankara lên án cuộc không kích nhưng Moscow cho biết, các nhóm nổi dậy tại đây sẽ bị nghiền nát.

Quân bài địa chính trị

Tiêu điểm - Số phận Thổ Nhĩ Kỳ 'an bài' ở Syria: Liều lĩnh đấu với Nga hay rút lui trong thế 'ngẩng cao đầu'? (Hình 2).

Tổng thống Erdogan có quá ít sự lựa chọn.

Các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Ankara trong nỗ lực cứu vãn tiến trình Astana, nhưng tất cả các dấu hiệu cho thấy sẽ khó có sự hàn gắn nào diễn ra trong liên minh ba bên lỏng lẻo.

Nga khó có thể hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ để thiết lập một khu vực an toàn, trong khi sẽ tiếp tục ủng hộ chiến dịch của Damascus nhằm đánh bại khủng bố để chiếm lại Idlib.

Đối với Tehran - quốc gia chịu áp lực kinh tế nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của Mỹ - ủng hộ Chính phủ Syria vẫn là ưu tiên cao và là quân bài địa chính trị mà họ hy vọng sẽ sử dụng trong tương lai.

Erdogan, người đã đánh cược với liên minh chiến lược của mình với Mỹ, đang cạn kiệt các lựa chọn. Chiến lược của ông ở Syria đã phản tác dụng và sự ủng hộ của ông đối với phe nổi dậy ở Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá đắt.

Nỗi ám ảnh với cuộc đảo chính quân sự năm 2016 đã khiến ông phải đưa ra một số quyết định táo bạo nhưng liều lĩnh; bao gồm cả việc mua hệ thống phòng không của Nga, S-400 - khiến nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá bằng thỏa thuận máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất.

Với sự hỗ trợ trên không của Nga, quân đội Syria sẽ đẩy xa hơn vào Idlib trong những ngày tới và các chiến binh HTS có thể sẽ rút sâu hơn vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Đây không phải là kết quả mà ông Erdogan đã hy vọng.

Hơn nữa, cuộc không kích nhằm vào đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Ankara - rằng người Nga có các ưu tiên ở Syria và bảo vệ sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc không phải là một trong số đó.

Vì vậy, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phải đối mặt với một lựa chọn táo bạo: Ông sẽ mạo hiểm gửi quân đội của mình để đối mặt với một đội quân Syria được hậu thuẫn bởi không quân Nga?

Trong quan điểm của Moscow và Tehran, chính quyền Syria đang chiến đấu trong một cuộc chiến chính nghĩa để giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ đất nước. Tổng thống Erdogan sẽ biện minh cho sự hiện diện của mình trên đất Syria như thế nào?

Đã từ lâu, Nga và Iran cho thấy rằng, họ ủng hộ lời kêu gọi của Chính phủ trong việc yêu cầu các lực lượng quân đội nước ngoài không được mời cần rút khỏi Syria.

Hiện tại, nhiệm vụ trước mắt của Tổng thống Erdogan sẽ là phá vỡ vòng vây ở miền Bắc và bảo vệ sự an toàn cho binh lính của mình.

Nhưng trong những ngày tới, ông sẽ phải quyết định xem mình có sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại quân đội Syria và người Nga hay không? Hoặc chấp nhận những tổn thất ở mức nhỏ và tìm cách giữ thể diện của mình.

Quốc Vinh - (nguoiduatin.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới