Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25-8 đe dọa sử dụng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp quốc tế (IEEPA) để ép toàn bộ công ty Mỹ rời bỏ Trung Quốc. "Nếu muốn, tôi có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia… Nhưng hiện tại, tôi chưa có kế hoạch cụ thể" - Tổng thống D.Trump tuyên bố. Ông chủ Nhà Trắng sau đó viện dẫn điều mà ông mô tả là "hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ" của Trung Quốc cùng với thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, nói rằng "theo nhiều cách khác nhau, đây là một tình huống khẩn cấp".
Theo đài ABC News, nếu sử dụng phương án thương mại "hạt nhân" nêu trên, Tổng thống D.Trump có thể chấm dứt mọi hoạt động thương mại cũng như đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Có hiệu lực từ năm 1977, IEEPA trao quyền lực đặc biệt cho tổng thống Mỹ trong việc điều tiết thương mại xuyên suốt thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với các mối đe dọa nghiêm trọng. Ngay khi IEEPA được kích hoạt, Bộ Tài chính Mỹ có thể đóng băng tài sản của mọi thực thể tại Mỹ mà không cần cung cấp bằng chứng về hành vi sai phạm. Ở chiều hướng ngược lại, các thực thể bị nhắm mục tiêu không được phép chống lại quyết định trên thông qua tố tụng.
Đáng chú ý, theo Ngân hàng Đầu tư Citibank (Mỹ), IEEPA có thể được kích hoạt mà không cần sự phê chuẩn của quốc hội và tất cả những gì Tổng thống Trump cần làm là ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì một mối đe dọa bất thường đối với an ninh, chính sách đối ngoại hay kinh tế Mỹ.
Công nhân làm việc tại một chi nhánh của hãng xe General Motors (Mỹ) ở TP Liễu Châu - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Ông chủ Nhà Trắng đưa ra lời đe dọa trên trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Ngay sau khi Bắc Kinh thông báo áp thuế trả đũa 5%-10% lên 75 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào hôm 23-8, ông D.Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 550 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ngay cả khi "lựa chọn hạt nhân" IEEPA chưa được sử dụng, biện pháp thuế quan mới nhất của ông D.Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm thương mại Mỹ. "Các doanh nghiệp không thể lập kế hoạch cho tương lai với môi trường căng thẳng như hiện tại" - ông David French, từ Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF), bày tỏ. Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ (CTA) nhấn mạnh leo thang thuế quan là "sai lầm kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley được ban hành vào năm 1930 - một quyết định khiến Mỹ rơi vào đại khủng hoảng".
Trong khi đó, Hiệp hội Nông dân quốc gia Mỹ (NFU) khẳng định Tổng thống D.Trump "đang khiến tình hình tồi tệ hơn". "Sẽ không bất ngờ nếu Trung Quốc tiếp tục áp thuế bổ sung lên hàng hóa Mỹ. Mỗi khi Tổng thống D.Trump leo thang căng thẳng thương chiến, Trung Quốc lại trả đũa. Sẽ không bất ngờ nếu nông dân Mỹ một lần nữa trở thành mục tiêu" - Chủ tịch NFU Roger Johnson chỉ trích.
Nỗi lo trên của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ càng có cơ sở khi tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) hôm 25-8 cảnh báo Bắc Kinh sẽ đáp trả động thái tăng thuế của Tổng thống D.Trump. Trước đó 1 ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng" nếu Mỹ tiếp tục "hành động sai trái".
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), diễn ra ở Pháp từ ngày 24 đến 26-8. Theo báo South China Morning Post (SCMP), đây nhiều khả năng là một "yếu tố gây sao nhãng không mong muốn" bởi Tổng thống D.Trump có thể sử dụng sự kiện này để buộc lãnh đạo 6 nước còn lại tập trung vào thương chiến Mỹ - Trung ngay cả khi họ muốn ưu tiên thảo luận những vấn đề khác - như biến đổi khí hậu, Iran và Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).
Phát biểu với giới truyền thông khi dự hội nghị, ông D.Trump hôm 25-8 tiết lộ các đồng minh không khuyên ông chấm dứt thương chiến với Trung Quốc ngay cả khi Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định London mong muốn "hòa bình thương mại" và không thích thuế quan. Trong khi đó, các quan chức châu Âu khác cảnh báo rằng các cuộc chiến tranh thương mại do ông D.Trump phát động sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.