Quyết định của Thủ tướng Johnson, được công bố vào hôm 28-8, sẽ hạn chế khả năng của quốc hội về việc cản trở kế hoạch của ông nhằm đưa Anh rời khỏi EU vào hạn chót ngày 31-10, kể cả khi không đạt được thỏa thuận.
Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow khẳng định hành động của Thủ tướng Johnson là "một sự vi phạm hiến pháp nghiêm trọng" nhằm ngăn chặn các phiên tranh luận về Brexit giữa lúc kịch bản "Brexit không thỏa thuận" ngày càng rõ nét. Lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland (SNP) Nicola Sturgeon hối thúc các nhà lập pháp ủng hộ EU hành động quyết liệt bởi nếu không, ngày 28-8 sẽ trở thành "ngày đen tối của nền dân chủ Anh".
Người biểu tình phản đối chống phong trào Brexit ở bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Anh Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, vài giờ sau khi quyết định của ông Johnson được công bố, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối, cáo buộc ông "đảo chính chính trị". Trước đó, Hội đồng Cơ mật (Privy Council) - cơ quan cố vấn của Nữ hoàng Anh - cho biết Nữ hoàng Elizabeth II đã đồng ý với quyết định của Thủ tướng Johnson, đồng thời xác nhận quốc hội sẽ bị đình chỉ vào một ngày nào đó giữa giai đoạn 9-9 và 12-9 cho đến ngày 14-10.
Về cơ bản, các nghị sĩ vẫn có thể chống lại hành động của Thủ tướng Johnson vào tuần tới, có thể là bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm để giải tán chính phủ của ông. Tuy nhiên, phương án này khó thành công, bởi nếu Nữ hoàng đã đồng ý cho phép đình chỉ quốc hội, quyết định của ông Johnson vẫn sẽ được áp dụng - thư ký quốc hội Anh Martyn Atkins chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.
Nói theo cách của cây bút Robert Hutton của trang tin Bloomberg, Thủ tướng Johnson đang dồn ép đối thủ vào chân tường để thúc đẩy kế hoạch Brexit của mình. Theo hãng tin Reuters, một số nghị sĩ phe đối lập đã viết thư để yêu cầu được hội kiến với Nữ hoàng nhằm thuyết phục bà đảo ngược kế hoạch đình chỉ quốc hội của Thủ tướng Johnson.