Hãng công nghệ Google (Mỹ) đang chuyển hoạt động sản xuất dòng điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc về Việt Nam và quá trình này bắt đầu trong năm nay, theo tiết lộ của báo Nikkei (Nhật Bản) hôm 28-8. Tờ báo này tiết lộ thêm Google dự định chuyển hầu hết hoạt động sản xuất phần cứng xuất khẩu sang Mỹ ra khỏi Trung Quốc, trong đó Thái Lan là một điểm đến khác.
Bước đi trên diễn ra giữa lúc Trung Quốc chịu nhiều sức ép từ biện pháp thuế quan của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang. Một trong những tác động từ thương chiến này là chuỗi cung ứng toàn cầu đang được sắp xếp lại khi không ít công ty xem xét đưa hoạt động đến những nước ít có nguy cơ trúng đòn thuế của Mỹ.
Container hàng hóa tại một cảng ở TP Thượng Hải - Trung Quốc. Xuất khẩu bằng đường biển từ Trung Quốc đến Mỹ trong tháng 7 được cho là đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái Ảnh: REUTERS
Ông Sandeep Naik, chuyên gia tại Quỹ Đầu tư General Atlantic (Mỹ), nhận định với đài CNBC rằng các nước Đông Nam Á có thể hưởng lợi nhiều nhất khi doanh nghiệp Mỹ dự định đưa hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc. Nhà phân tích Chris Rogers của Công ty Dữ liệu thương mại Panjiva (Mỹ) cũng cho biết những số liệu họ thu thập được gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang bị trúng đòn bởi thương chiến với Mỹ, như xuất khẩu bằng đường biển từ Trung Quốc đến Mỹ trong tháng 7 giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nói thế không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ không bị vạ lây từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc thông báo mức thuế mới đánh lên 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố nâng mức thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc đã bị đánh thuế từ ngày 1-10 và tăng thuế từ 10% lên 15% đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn chưa bị đánh thuế. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hôm 28-8 khẳng định kế hoạch đánh thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn không có gì thay đổi. Cụ thể, mức thuế đối với số hàng hóa trị giá hơn 125 tỉ USD sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9 và số hàng hóa còn lại chính thức bị áp thuế từ ngày 15-12.
Tuy nhiên, các nhóm công nghiệp Mỹ hôm 28-8 cảnh báo biện pháp tăng thuế mới của ông Donald Trump sẽ khiến công ăn việc làm bị tổn hại và làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới này. "Chúng tôi đã nói với Nhà Trắng từ đầu rằng người Mỹ sẽ phải gánh thuế quan dưới hình thức giá cả cao hơn. Do thuế nhập khẩu của chúng tôi đã cao, đây sẽ là một đòn giết chết công ăn việc làm" - ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ, nhấn mạnh trong tuyên bố mới nhất của mình.
Ngoài ra, khoảng 160 nhóm thương mại khác tại Mỹ, trong đó có nhà sản xuất phần mềm và hàng điện tử, nhà bán lẻ… thúc giục ông chủ Nhà Trắng từ bỏ chiến lược thuế quan, đồng thời cảnh báo về tình trạng giá cả gia tăng và niềm tin người tiêu dùng sụt giảm. Riêng Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin Mỹ đồng ý với đòi hỏi rằng Trung Quốc cần thay đổi các hoạt động thương mại không công bằng nhưng nhấn mạnh "công cụ thuế quan hiện tại không có hiệu quả" trong lúc chỉ gây ra hậu quả tiêu cực.
Thậm chí, theo đài CNBC, đã xuất hiện dấu hiệu cảnh báo mới về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái khi giới nhà giàu cắt giảm chi tiêu đối với mọi thứ, từ nhà cửa cho đến trang sức. Theo Công ty Bất động sản Redfin (Mỹ), doanh số bán các căn nhà có giá từ 1,5 triệu USD trở lên đã giảm 5% tại Mỹ trong quý II/2019. Nếu tầng lớp lắm tiền nhiều của tiếp tục siết chặt hầu bao, nền kinh tế Mỹ có thể bắt đầu cảm nhận "nỗi đau". Nỗi lo này càng tăng khi một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẵn sàng cho một cuộc thương chiến lâu dài với Mỹ khi vừa không đặt mục tiêu nhanh chóng đạt thỏa thuận với Mỹ vừa không trả đũa Washington mạnh nhất đến mức có thể.