Nhà đàm phán cấp cao Mỹ Zalmay Khalilzad hôm 2-9 cho biết nước này sẽ rút khoảng 5.000 quân khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ trong vòng 135 ngày theo một dự thảo thỏa thuận hòa bình đã đạt được với Taliban. Bước đột phá này diễn ra sau nhiều tháng đàm phán nhưng vẫn phải chờ sự chấp thuận của Tổng thống Donald Trump trước khi được ký kết.
Việc rút quân theo từng giai đoạn của Mỹ nói trên sẽ diễn ra nếu Taliban thực hiện cam kết giảm bạo lực và không cho phép nhóm khủng bố al-Qaeda hoặc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng Afghanistan làm căn cứ phát động tấn công nhằm vào Mỹ và các đồng minh. Ông Khalilzad cho hay mục đích của thỏa thuận là chấm dứt chiến tranh nhưng không có thỏa thuận ngừng bắn chính thức. Nhà ngoại giao kỳ cựu người Mỹ gốc Afghanistan này từ chối cho biết khoảng 9.000 binh lính Mỹ còn lại sẽ ở lại Afghanistan trong bao lâu sau giai đoạn rút quân đầu tiên mặc dù các thủ lĩnh Taliban trước đó nhấn mạnh tất cả lực lượng nước ngoài phải rời đi.
Ông Khalilzad đã gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại thủ đô Kabul hôm 2-9 để bàn về nội dung dự thảo thỏa thuận trên. Quan chức này cho biết thêm các cuộc đàm phán giữa phái đoàn 15 thành viên chính phủ Afghanistan và Taliban dự kiến diễn ra tại Na Uy trong những tuần tới nhằm đạt được một thỏa thuận chính trị lớn hơn và chấm dứt cuộc chiến giữa hai bên.
Trước mắt, ông Ghani sẽ xem xét chi tiết dự thảo thỏa thuận trước khi cho biết ý kiến - theo người phát ngôn của nhà lãnh đạo Afghanistan hôm 2-9. Tuy nhiên, một số quan chức Afghanistan phản đối các điều khoản trong dự thảo khi cho rằng phe nổi dậy Taliban có một vị trí tương đương với chính phủ Afghanistan được quốc tế công nhận. Lập trường này cộng với tình trạng bạo lực tiếp diễn phần nào nêu bật việc vẫn còn một chặng đường dài để hòa bình trở lại Afghanistan.
Hiện trường vụ đánh bom xảy ra ở thủ đô Kabul - Afghanistan hôm 2-9 Ảnh: Reuters
Taliban đã nhận trách nhiệm gây ra một vụ đánh bom xe hơi ở thủ đô Kabul hôm 2-9, chỉ vài giờ sau khi thông tin về kế hoạch rút quân của Mỹ được công bố. Một quan chức địa phương nói với hãng tin AP rằng số người chết trong vụ tấn công đã tăng lên 16 người trong lúc ít nhất 119 người bị thương.
Theo hãng tin Reuters, không ít quan chức Afghanistan và phụ tá an ninh quốc gia Mỹ lo ngại việc Washington rút quân có thể đẩy quốc gia Nam Á này vào một cuộc nội chiến mới. Một nỗi lo khác là khả năng trở lại cầm quyền của Taliban, từ đó mở đường cho các tay súng cực đoan chạy sang Afghanistan tìm nơi ẩn náu. Trong khi đó, nhiều người dân Afghanistan thắc mắc về mức độ đáng tin cậy của bất kỳ thỏa thuận nào với Taliban, nhất là khi lực lượng nước ngoài rời đi.
Theo tờ USA Today (Mỹ), những người chỉ trích lo ngại việc Mỹ giảm sự hiện diện ở Afghanistan sẽ mở ra cơ hội hồi sinh cho al-Qaeda cũng như các nhóm khủng bố khác hoạt động ở Afghanistan như IS. Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham gần đây cảnh báo về nguy cơ xảy ra một sự kiện khủng bố 11-9-2001 khác nếu Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Ngoài ra, vẫn còn những câu hỏi khác chưa có giải đáp liên quan đến dự thảo thỏa thuận, trong đó nổi bật là chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn sẽ đóng vai trò gì trong tương lai khi Taliban đến giờ vẫn từ chối đàm phán trực tiếp với họ.
Hiện không rõ liệu hai bên có thể đi đến bất kỳ thỏa thuận chia sẻ quyền lực nào hay không. Theo một phân tích gần đây của ông Robert Pape, Giám đốc Tổ chức Dự án Chicago về an ninh và các mối đe dọa (Mỹ), Taliban đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trong lúc chính phủ Afghanistan vẫn dựa nhiều vào quân đội Mỹ về an ninh. Ông Pape nhận định việc Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan có thể khiến quốc gia Nam Á này rơi vào hỗn loạn nhưng duy trì hiện trạng lại là "thất bại thảm hại".