Người dân Afghanistan đang đối mặt nguy cơ bùng phát các vụ bạo lực mới liên quan đến Taliban sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tuần rồi đột ngột hủy hòa đàm với phong trào này. Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm một số vụ tấn công nhằm vào ít nhất 2 quận ở tỉnh Takhar vào đêm 8 và rạng sáng 9-9 nhưng chưa có thông tin về thương vong. Trước đó, nhóm này đã tấn công các mục tiêu ở 3 tỉnh tại Afghanistan ngay cả khi đang trong giai đoạn hoàn tất dự thảo thỏa thuận với Mỹ để chấm dứt gần 18 năm giao tranh ở quốc gia Nam Á này.
Đáng chú ý, Taliban nhận trách nhiệm vụ đánh bom xe hơi tự sát tại thủ đô Kabul hôm 5-9, khiến 1 binh sĩ Mỹ và 11 người khác thiệt mạng. Vụ tấn công này là nguyên nhân khiến ông Donald Trump hôm 7-9 thông báo hủy kế hoạch tiến hành cuộc gặp bí mật với các thủ lĩnh Taliban ở Trại David một ngày sau đó. Theo Reuters, Taliban lập tức phản ứng giận dữ trước quyết định của ông chủ Nhà Trắng và dọa sát hại thêm người Mỹ. "Điều này sẽ dẫn đến nhiều mất mát hơn cho Mỹ. Uy tín của nước này sẽ bị tổn hại, quan điểm đi ngược hòa bình của họ sẽ bị phơi bày trước thế giới, mất mát nhân mạng và tổn thất tài sản sẽ tăng thêm" - ông Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban, cảnh báo. Một thủ lĩnh cấp cao Taliban thậm chí nói với tờ The Times (Anh) rằng họ "sẽ chiến đấu trong 100 năm" và Washington "sẽ phải trả giá".
Lực lượng an ninh Afghanistan giao tranh với Taliban tại tỉnh Kunduz hôm 1-9. Ảnh: REUTERS
Hiện chưa rõ liệu đàm phán Mỹ - Taliban có được nối lại hay không và nếu có thì khi nào. Trước mắt, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington vẫn quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban nhưng sẽ không xúc tiến nỗ lực này cho đến khi tin rằng phong trào này có thể tuân thủ những cam kết quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận tiềm tàng nào. Từ giờ đến lúc đó, theo ông Pompeo, Mỹ sẽ không giảm sự ủng hộ quân sự dành cho lực lượng Afghanistan.
Các nhà đàm phán Mỹ và Taliban vào tuần rồi đạt thỏa thuận có thể dẫn đến việc rút quân Mỹ khỏi cuộc chiến dài nhất của Washington. Hiện có khoảng 14.000 binh sĩ Mỹ và hàng ngàn quân NATO tại Afghanistan kể từ khi liên quân do Mỹ đứng đầu tấn công nước này theo sau sự kiện tấn công khủng bố 11-9-2001 của mạng lưới Al Qaeda. Dù vậy, giao tranh tiếp diễn và bạo lực leo thang ở Afghanistan đã dẫn đến hoài nghi lẫn công kích về dự thảo thỏa thuận trên.
Theo báo The Washington Post, chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm 8-9 hoan nghênh thông báo của ông Donald Trump giữa lúc có nỗi lo Taliban đang thao túng tiến trình hòa bình. Lập trường lâu nay của Kabul là chỉ có đàm phán trực tiếp giữa các lãnh đạo Afghanistan và thủ lĩnh Taliban mới có thể dẫn đến một thỏa thuận lâu dài và thực chất. Ngoài ra, nhiều người dân Afghanistan lo ngại Washington nhượng bộ Taliban quá nhiều, từ đó cho phép họ trở lại nắm quyền và thiết lập những luật lệ Hồi giáo hà khắc hơn.
Tại Mỹ, một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã chỉ trích ông chủ Nhà Trắng vì đề nghị đón tiếp các thủ lĩnh của một phong trào từng sát hại binh sĩ Mỹ và chứa chấp Osama bin Laden, thủ lĩnh Al Qaeda, theo sau các vụ tấn công 11-9-2001. Trong khi đó, một nhóm 9 cựu đại sứ Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo rằng Afghanistan có thể rơi vào cuộc nội chiến toàn diện nếu ông Donald Trump rút toàn bộ lực lượng Mỹ trước khi chính quyền ở Kabul và Taliban đạt được thỏa thuận hòa bình. Để xoa dịu nỗi lo này, ông Pompeo nhấn mạnh Mỹ sẽ chỉ giảm lực lượng ở Afghanistan khi một số điều kiện được đáp ứng.