Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 9-9 cho biết cứ 40 giây lại có một người chết vì tự tử trên thế giới và con số này còn cao hơn số người chết trong chiến tranh mỗi năm.
Thông tin trên được WHO đưa ra trước thềm ngày Thế giới ngăn ngừa tự tử 10-9. Tổ chức này thúc giục các chính phủ thực hiện các kế hoạch ngăn ngừa tự tử để giúp đỡ người dân đương đầu với căng thẳng và giảm việc tiếp cận những phương tiện được sử dụng để tự tử. "Tự tử là một vấn đề sức khỏe công cộng toàn cầu. Mọi lứa tuổi, giới tính và khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng và mỗi mất mát đều là quá nhiều" - báo cáo của WHO nhấn mạnh.
Tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở những người từ 15 đến 29 tuổi, chỉ sau tai nạn giao thông. Đối với thiếu nữ từ 15 đến 19 tuổi, nguyên nhân này xếp thứ hai đứng sau biến chứng thai kỳ. Còn đối với thiếu niên nam, tự sát là nguyên nhân gây tử vong đứng vị trí thứ 3 sau tai nạn giao thông và bạo lực. Theo Reuters, báo cáo cũng cho thấy số đàn ông tự tử nhiều gần gấp 3 lần phụ nữ ở các quốc gia giàu có. Hai con số này tỏ ra ngang bằng hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Một cuộc tuần hành về ngăn ngừa tự tử tại thủ đô Washington - Mỹ gần đây Ảnh: The Washington Post
Theo WHO, gần 800.000 người chết vì tự tử mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì sốt rét, ung thư vú, chiến tranh hoặc tội phạm giết người. Tỉ lệ tự tử trên toàn cầu đã giảm trong những năm gần đây - giảm 9,8% trong giai đoạn 2010-2016. Tuy nhiên, sự sụt giảm này không đồng đều tại các khu vực, như Tây Thái Bình Dương chứng kiến tỉ lệ giảm gần 20% và Đông Nam Á ghi nhận mức giảm 4,2%. Ở chiều ngược lại, tỉ lệ này lại tăng 6% tại châu Mỹ trong giai đoạn trên. Xu hướng giảm nói trên phần nào đến từ việc 38 quốc gia có chiến dịch ngăn ngừa tự tử nhưng WHO cho rằng con số này còn quá ít.
Tỉ lệ tự tử toàn cầu trong năm 2016, năm gần đây nhất được thống kê, đạt mức 10,5 vụ trên mỗi 100.000 người. Quốc gia có tỉ lệ tự tử cao nhất được ghi nhận là Guyana với 30 vụ tự tử/100.000 người, theo sau là Nga (26,5 vụ/100.000 người). Giữ vị trí cao trong danh sách còn có Lithuania, Lesotho, Uganda, Sri Lanka, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, Mỹ... Ở hầu hết quốc gia, đàn ông có nguy cơ tự sát cao hơn phụ nữ. Riêng 5 quốc gia Bangladesh, Trung Quốc, Lesotho, Morocco và Myanmar ghi nhận tỉ lệ nữ giới tự tử cao hơn nam giới.
"Tự tử có thể ngăn ngừa được. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước đưa chiến lược phòng chống tự tử đã được kiểm chứng vào các chương trình giáo dục và y tế quốc gia" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh. WHO cho biết một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để nhanh chóng giảm số lượng vụ tự tử là hạn chế sự tiếp cận với thuốc trừ sâu.
Lý do là thuốc trừ sâu thường được sử dụng trong các vụ tự tử và dễ gây tử vong. Ngoài ra, chúng thường được sử dụng để tự tử ở những khu vực xa xôi, ít có sự hỗ trợ về y tế. WHO đã dẫn một nghiên cứu tại Sri Lanka cho thấy số vụ tự tử ở nước này giảm 70% sau khi thuốc trừ sâu bị cấm. Ước tính 93.000 người đã được cứu sống tại nước này trong giai đoạn 1995-2015.