Một buổi lễ diễn ra tại khu vực Ground Zero ở TP New York (nơi tọa lạc trước đây của tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới bị sụp đổ trong vụ tấn công hôm 11-9-2001) với sự tham dự của người nhà các nạn nhân. Tại buổi lễ, danh tính của 2.983 nạn nhân trong các vụ tấn công năm 2001 được đọc. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một buổi lễ tại Lầu Năm Góc, nơi thứ hai bị tấn công. Ngoài ra, Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu tại địa điểm xảy ra vụ tấn công thứ 3, gần thị trấn Shanksville ở bang Pennsylvania.
Vụ tấn công khủng bố trên đã dẫn đến hành động trả đũa của Mỹ thông qua chiến lược "chiến tranh toàn cầu chống khủng bố" gây không ít hệ lụy và tranh cãi cho đến giờ. Chiến lược này bắt đầu với cuộc chiến do Mỹ và các đồng minh phát động nhằm vào Afghanistan chưa đầy một tháng sau sự kiện 11-9. Khi đó, Taliban đang nắm quyền ở quốc gia Nam Á này và chứa chấp Osama bin Laden, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al Qaeda và là kẻ đứng sau các vụ tấn công 11-9-2001.
Hiện trường một vụ tấn công tự sát ở thủ đô Kabul - Afghanistan hôm 5-9 Ảnh: REUTERS
Ngay cả khi Taliban bị lật đổ, chiến sự tại Afghanistan vẫn kéo dài cho đến giờ. Hy vọng khép lại cuộc chiến dài nhất của Mỹ này bị trúng đòn mạnh sau khi ông Donald Trump vào cuối tuần rồi đột ngột hủy hòa đàm với Taliban, khiến phong trào này cảnh báo sẽ tiếp tục chống lại lực lượng Mỹ tại Afghanistan.
Bên cạnh Al Qeada, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria là một cơn đau đầu khác của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố bất chấp tuyên bố IS đã bị xóa sổ hoàn toàn ở Syria hồi tháng 3-2019 và trước đó là ở Iraq. Theo giới chức tình báo Mỹ và Iraq, IS đang hồi sinh và tiến hành các vụ tấn công khủng bố mới khắp Iraq và Syria, thiết lập lại mạng lưới tài chính và tuyển mộ thành viên mới. Theo thống kê, IS đã tập hợp được một lực lượng lên đến 18.000 tay súng ở cả Iraq và Syria.
Trong bài viết gần đây trên tờ The Washington Post, ông Leon E. Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cảnh báo những nhóm khủng bố như al Qaeda, IS đang không ngừng nhằm mục tiêu vào Mỹ và các nước phương Tây. Vì thế, ông Panetta cho rằng Mỹ cần phải tập trung ngăn các nhóm này sử dụng những nước như Syria, Iraq, Afghanistan... làm bàn đạp phát động các vụ tấn công khủng bố mới trên thế giới. Cựu bộ trưởng này cho rằng cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ kể từ sự kiện 11-9-2001 đã giúp nước này tránh được một vụ khủng bố kinh hoàng tương tự nhưng cảnh báo cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc.
Một nghiên cứu mới của Trường ĐH Brown (Mỹ) chỉ ra rằng kể từ năm 2001, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã khiến ít nhất nửa triệu người thiệt mạng tại Iraq, Afghanistan và Pakistan. Ngoài ra, Mỹ còn từng tham gia vào các sứ mệnh chống khủng bố tại 80 quốc gia trên thế giới trong 2 năm 2017 và 2018. Nghiên cứu cũng tính toán rằng Washington đã chi 3.600 tỉ USD cho chiến tranh ở Trung Đông giai đoạn 2001-2016. Bà Stephanie Savell, một trong những tác giả của cuộc nghiên cứu, dự báo con số này sẽ tăng lên 5.900 tỉ USD vào cuối năm 2019.
Một số chuyên gia cho rằng bất chấp nhiều tiền bạc và công sức đã bỏ ra, cuộc chiến toàn cầu này vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, thể hiện rõ qua tình trạng bạo lực ở Afghanistan, sự hỗn loạn ở Libya, cáo buộc Pakistan thiếu hợp tác với Mỹ trong chống khủng bố... Riêng bà Savell không tin rằng chiến lược chống khủng bố của Washington thật sự khiến người Mỹ an toàn hơn hoặc giảm bớt bạo lực nhằm vào dân thường tại Mỹ và những nước khác.