“Tan tành” giấc mơ tàu sân bay
Việc Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp cảnh báo từ các đồng minh NATO có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức mạnh hải quân của nước này, cây bút David Axe của tạp chí National Interest nêu quan điểm.
Người ta đã nói nhiều về mặt tiêu cực mà Ankara phải đón nhận khi quyết tâm thực hiện thương vụ S-400 với Nga, bao gồm tổn thất về kinh tế, đổ vỡ quan hệ với đồng minh NATO, hay mất đi sự bổ sung về sức mạnh không quân.
Tuy nhiên, có một khía cạnh khác mà Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã vô tình quên mất khi đánh đổi tiêm kích tàng hình F-35. Theo đó, một khi thiếu đi F-35, con tàu tấn công mới mà hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đang chế tạo có khả năng sẽ mất đi một nửa sức mạnh.
Trước đó, Mỹ và các đồng minh đã cực lực phản đối thỏa thuận S-400 giữa Ankara và Moscow, cho rằng sự hiện diện của vũ khí của Nga sẽ gây hại chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước đóng góp rất lớn trong quá trình sản xuất F-35. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất một loạt các thành phần cho mẫu chiến đấu cơ này. Trong khi đó, không quân cũng lên kế hoạch mua 100 chiếc F-35.
Chỉ có hai mẫu máy bay chiến đấu hạ cánh thẳng đứng có thể phục vụ trên các tàu sân bay ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó là F-35B và mẫu Harrier cũ hơn. Hiện tại, Harrier không còn được sản xuất.
Ankara đã hy vọng mua các mẫu F-35B để có thể triển khai trên Anadolu, một mẫu tàu tấn công đổ bộ đa năng (có thể coi là tàu sân bay cỡ nhỏ) dựa trên nguyên mẫu của chiếc Juan Carlos I của Tây Ban Nha.
Công ty Navantia của Tây Ban Nha đã hỗ trợ nhà máy đóng tàu Sedef của Thổ Nhĩ Kỳ để chế tạo Anadolu. Tàu dự kiến sẽ đưa vào hoạt động sớm nhất là năm 2021.
F-35B rất phổ biến cho các lựa chọn triển khai trên các kiểu tàu tấn công cỡ nhỏ như vậy khi không có các tàu sân bay cỡ lớn kiểu Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã bắt đầu sửa đổi các thiết kế tàu tấn công bản địa để phù hợp hơn với F-35B.
Với việc không thể có F-35B, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ gần như mất đi khả năng triển khai các chiến đấu cơ từ boong tàu của Anadolu.
Sự sụp đổ ngoại giao từ thỏa thuận S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đang gây ra tác hại thực sự cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tước đi F-35A cho không quân và F-35B cho Anadolu. Đứng trước viễn cảnh này, ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tìm kiếm giải pháp lấp đầy khoảng trống.
Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên giới thiệu mẫu máy bay chiến đấu nội địa TF-X dựa trên mẫu F-22 của không quân Mỹ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, F-22 vốn là một mẫu máy bay chiến đấu mạnh mẽ với hàng loạt chiến tích, do đó một bản nhái như TF-X khó có thể bắt kịp. Hơn cả, để phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình là rất tốn kém.
Về lý thuyết, chỉ có ba quốc gia có thể phát triển tiêm kích tàng hình mà không rơi vào một cuộc khủng hoảng về tài chính. Đó là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Và chỉ hai trong số họ - Mỹ và Trung Quốc - thực sự đi đến cùng mà không gặp nhiều vấn đề. Trong khi chương trình phát triển Su-57 của Nga cũng đã gặp nhiều khó khăn khi tiến vào sản xuất hàng loạt.
Thổ Nhĩ Kỳ, với nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới, khó có thể tham gia vào câu lạc bộ độc quyền như vậy.
Không có sự thay thế
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị trục xuất khỏi chương trình F-35, Nga đã đề nghị bán máy bay chiến đấu Su-35 như một lựa chọn thay thế. Su-35 - một biến thể của Su-27 – khá tân tiến nhưng thiếu đi tính năng tàng hình.
Su-35 gần như không giải quyết vấn đề cho Thổ Nhĩ Kỳ khi một mẫu máy bay chiến đấu thông thường không thể hoạt động trên một con tàu tấn công đổ bộ dạng tàu sân bay như Anadolu.
Một trong những sự lựa chọn khác của Thổ Nhĩ Kỳ lúc này là Trung Quốc, quốc gia đang sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Một công ty Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình FC-31 mẫu nhỏ hơn, có khả năng dành cho thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, một lần nữa, máy bay Trung Quốc không có khả năng hoạt động trên tàu tấn công đổ bộ. Đã có tin đồn rằng ngành công nghiệp Trung Quốc đang phát triển một mẫu máy bay chiến đấu hạ cánh thẳng đứng tương tự F-35B và Harrier, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy sự phát triển đang được tiến hành.
Điều đáng chú ý là Trung Quốc cũng đã bắt đầu chế tạo một con tàu tấn công tương tự Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ. Một khi hải quân Trung Quốc đi vào vận hành các tàu tấn công này, áp lực sẽ tăng lên đối với các công ty Trung Quốc để phát triển các mẫu máy bay cất hạ cánh thẳng đứng.
Về cơ bản, dù không có F-35, tàu Anadolu vẫn có thể tiến hành các hoạt động vận chuyển quân, triển khai trực thăng tấn công hoặc các tính năng như dạng tàu đổ bộ thông thường. Tuy nhiên, vì Thổ Nhĩ Kỳ đang hy vọng sử dụng con tàu này theo dạng tàu sân bay, việc thiếu đi máy bay Mỹ đã khiến tham vọng bị cản trở.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn có hệ thống phòng không Nga và máy bay chiến đấu của Mỹ, nhưng thật khó để có cả hai, cây bút David Axe kết luận.