Bloomberg hôm 16-9 cho biết trong lá thư gửi Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cách đây vài ngày, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) viết: "Chúng tôi khuyến khích các hành động kịp thời nhằm phê duyệt việc bán hàng không gây lo ngại đối với an ninh quốc gia, đặc biệt là khi có sẵn sản phẩm cạnh tranh của nước ngoài".
Theo SIA, ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ có thể bị suy yếu nếu chậm trao giấy phép đặc biệt cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Ngoài ra, lợi nhuận giảm buộc một số công ty phải cắt giảm nghiên cứu, làm xói mòn sự thống trị của họ trong lĩnh vực này.
Sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối tháng 6, ông Trump cam kết nới lỏng các hạn chế về việc cấp phép bán sản phẩm cho Huawei. Ngược lại, Bắc Kinh đồng ý mua thêm hàng nông sản của Washington. Tuy nhiên, cả hai bên đều không tuân thủ cam kết khi Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, dẫn đến sự trả đũa của Bắc Kinh.
Theo SIA, ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ có thể bị suy yếu nếu chậm trao giấy phép đặc biệt cho Huawei. Ảnh: Bloomberg
Vào tháng 7, ông Trump có cuộc gặp giám đốc điều hành từ các công ty công nghệ lớn, bao gồm Micron Technology, Google... Những người này yêu cầu nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra quyết định kịp thời để giảm hạn chế cho Huawei.
Các công ty Mỹ phải cần giấy phép đặc biệt nếu muốn cung cấp sản phẩm cho Huawei kể từ thời điểm Mỹ bổ sung tập đoàn công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen hồi tháng 5 do mối lo ngại an ninh quốc gia.
SIA cho biết Huawei là người mua lớn thứ ba thế giới đối với ngành chất bán dẫn của Mỹ. Hiệp hội này lập luận một số sản phẩm "nhạy cảm" của Huawei, từ điện thoại cho tới đồng hồ thông minh, không gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Thay vào đó, lệnh cấm của chính quyền ông Trump khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài vốn không phải đối mặt với những hạn chế tương tự.
Bên phía Huawei, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của tập đoàn này tại khu vực châu Phi.
Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 15-9 dẫn thống kê của Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC, Mỹ) cho biết thị phần của Huawei trên thị trường điện thoại thông minh đã giảm xuống còn 8,7% từ mức 11,8% cách đây 3 tháng.
Các đối thủ cạnh tranh của Huawei như Transsion (Trung Quốc, hoạt động tại châu Phi dưới những thương hiệu Tecno, Itel và Infinix); Samsung (Hàn Quốc)... đã tăng thị phần lên lần lượt 37,4% và 27,4%.
Huawei hiện là nhà cung cấp dịch vụ mạng 4G cho hơn một nửa "châu lục đen". Hồi tháng 6, Huawei ký thỏa thuận tăng cường hợp tác với Liên minh châu Phi nhưng các nhà phân tích dự đoán tập đoàn này sẽ tiếp tục mất thị phần trừ khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thoả thuận thương mại.