Theo Reuters, giá dầu Brent có thời điểm tăng đến gần 20% trong khi giá dầu thô Mỹ tăng gần 16% lên mức cao nhất kể từ tháng 5. Dù vậy, mức tăng này đã giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược của nước này để bảo đảm nguồn cung ổn định. Ông Saul Kavonic, một nhà phân tích năng lượng tại Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự gián đoạn nguồn cung và giá dầu phản ứng như thế trên thị trường dầu mỏ".
Một số chuyên gia nói với hãng tin Reuters rằng giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng nếu Ả Rập Saudi không nhanh chóng khôi phục lại nguồn cung dầu bị ảnh hưởng. Ông Samuel Ciszuk, làm việc tại tổ chức năng lượng toàn cầu ELS Analysis (Thụy Điển), nhận định nguồn cung toàn cầu bị giảm 5% là rất lớn và sẽ mất vài tuần để tình trạng này bắt đầu gây sức ép lên thị trường.
"Giá dầu thô sẽ tăng thêm ít nhất 15-20 USD/thùng trong kịch bản nguồn cung dầu của Ả Rập Saudi bị gián đoạn 7 ngày. Mức giá này sẽ tăng lên ít nhất 100 USD/thùng với kịch bản 30 ngày gián đoạn" - ông Robert McNally, Chủ tịch Công ty Rapidan Energy (Mỹ), dự báo.
Tuy nhiên, theo tờ The New York Times (Mỹ), một số ý kiến khác lại tin rằng thị trường năng lượng và nền kinh tế thế giới sẽ không chịu cú sốc nghiêm trọng.
Theo họ, vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh kho dự trữ dầu toàn cầu cao hơn mức bình thường, một số nước sản xuất dầu có nguồn dự phòng dồi dào và các cơ sở dầu ở Mỹ cho đến giờ đã tránh được sự tàn phá trong mùa bão năm nay. Song song đó, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu góp phần làm giảm nhu cầu về năng lượng.
Một cơ sở dự trữ dầu chiến lược của Mỹ. Ảnh: BỘ NĂNG LƯỢNG MỸ
"Chúng tôi không nghĩ hoạt động mua bán dầu trên toàn cầu bị gián đoạn tức thì vì nhiều quốc gia, gồm Mỹ, có nguồn dự trữ dầu thô dồi dào. Riêng Ả Rập Saudi cũng có đủ lượng dầu để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu trong 60 ngày tới. Do đó, chúng tôi hy vọng sẽ không có sự mất cân đối về cung cầu trong ngắn hạn" - ông Manish Raj, Giám đốc tài chính Công ty Khai thác và Sản xuất dầu Velandera Energy Partners (Mỹ), trấn an.
Nỗi lo lúc này là vẫn chưa rõ Ả Rập Saudi sẽ mất bao lâu để sửa chữa cơ sở Abqaiq bị tấn công hôm 14-9 vì nơi này có quy mô rộng lớn và nhiều thiết bị phức tạp cần được kiểm tra. Hiện cũng không rõ các thành viên khác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ có phản ứng thế nào sau vụ việc. Một quan chức OPEC nói rằng Ả Rập Saudi đến nay vẫn chưa chia sẻ thông tin về mức độ thiệt hại và thời điểm sản lượng khai thác được khôi phục. Người này nói thêm rằng OPEC chưa thảo luận về khả năng nới lỏng nguồn cung.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm 16-9 cho rằng những lời cáo buộc Tehran dính líu trong vụ việc là "vô căn cứ và không thể chấp nhận được". Theo hãng tin Reuters, phản ứng này được đưa ra sau khi một quan chức cấp cao Mỹ nhấn mạnh có bằng chứng cho thấy Iran là thủ phạm vụ tấn công chứ không phải là phiến quân Houthi tại Yemen như tuyên bố nhận trách nhiệm của lực lượng này. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Washington đã "khóa mục tiêu và lên nòng" cho một hành động trả đũa tiềm tàng trong lúc chờ đồng minh Ả Rập Saudi xác định xem ai đứng sau vụ tấn công.
Mong manh như chuỗi cung ứng dầu toàn cầu
Vụ tấn công mới nhất nhằm vào các cơ sở dầu ở Ả Rập Saudi cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng dầu thô toàn cầu trong bối cảnh ngày càng nhiều phương tiện có thể được sử dụng để phá hoại một ngành công nghiệp đã tồn tại suốt một thế kỷ. Từ máy bay không người lái (UAV) điều khiển từ xa đến thủy lôi và virus máy tính, các công cụ này đang được sử dụng trong một cuộc chiến tranh phi đối xứng nhằm vào một trong những quốc gia có quân đội được trang bị đầy đủ nhất Trung Đông.
Nhóm vũ trang Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm vụ tấn công hôm 14-9 nêu trên khi cho biết 10 UAV đã được triển khai để không kích 2 cơ sở của Tập đoàn Dầu khí nhà nước Ả Rập Saudi Aramco tại Abqaiq và Khurais. "Việc sử dụng UAV cho thấy hiện không cần đến một lực lượng không quân hùng hậu hoặc rốc-két hiện đại để gây thiệt hại kinh tế diện rộng cho Ả Rập Saudi" - bà Milena Rodban, một chuyên gia tư vấn rủi ro làm việc tại Mỹ, chia sẻ với trang Bloomberg.
Đây ít nhất là lần thứ 6 trong 4 tháng qua các cơ sở năng lượng hoặc tàu chở dầu của Ả Rập Saudi bị tấn công. Tuy nhiên, không giống như những cuộc tấn công sử dụng thủy lôi và UAV trước đó, đợt không kích mới nhất giáng đòn mạnh vào hoạt động sản xuất dầu của Ả Rập Saudi.
Hình thức tấn công mạng cũng gây ra rủi ro tương tự. Ả Rập Saudi từng quy trách nhiệm cho một số đối tượng ở nước ngoài thực hiện đợt tấn công mạng nhằm vào mạng lưới máy tính của Aramco hồi tháng 8-2012 nhưng không cho biết danh tính của họ. Mặc dù không gây ảnh hưởng đến sản lượng của Aramco, vụ việc cho thấy tập đoàn này dễ tổn thương ra sao trước phương thức tấn công này.
Cao Lực
Tác động không lớn đến giá xăng dầu trong nước
Ngày 16-9, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giảm giá xăng lần thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 109 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 92 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 139 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu hỏa được điều chỉnh tăng 35 đồng/lít; dầu ma dút 180CST 3.5S tăng 262 đồng/kg. Sau điều chỉnh, xăng E5 RON92 có giá 19.114 đồng/lít; xăng RON95-III được bán lẻ ở mức 20.143 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 16.200 đồng/lít; dầu hỏa 15.362 đồng/lít; dầu ma dút 14.090 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh này, liên bộ thực hiện giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít, giảm mức trích lập quỹ bình ổn giá đối với các loại dầu xuống mức 400 đồng/lít/kg (kỳ trước là 500 đồng/lít/kg). Đồng thời cơ quan điều hành quyết định không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng dầu.
Giá xăng trong nước giảm trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng mạnh sau các vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu nhận định giá dầu thế giới sẽ không rơi vào chu kỳ tăng kéo dài hoặc lặp đi lặp lại. "Ảnh hưởng của cuộc tấn công không kéo dài bởi vụ tấn công có ý nghĩa là đánh cảnh cáo chứ không coi cơ sở xăng dầu là một mục tiêu lớn. Ngoài ra, phía Mỹ đã hứa sẽ có những giải pháp hỗ trợ công nghệ và bảo vệ Ả Rập Saudi nên khả năng một vụ tấn công nữa có thể không xảy ra. Mặt khác, dù bị tấn công nhưng nguồn cung dầu hiện vẫn dư thừa và kinh tế thế giới đang trì trệ nên nhu cầu xăng dầu không tăng đột biến" - ông Phong phân tích.
Với Việt Nam, theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, do xu hướng tăng giá xăng thế giới không kéo dài nên tác động đến giá xăng dầu trong nước sẽ không lớn. Do giá xăng dầu bán lẻ trong nước được tính theo giá cơ sở với chu kỳ 15 ngày nên thị trường sẽ không ghi nhận mức tăng đột biến trong một vài ngày theo nhịp độ của thế giới. "Hợp đồng nhập khẩu xăng dầu thường được ký kết từ trước đây khoảng nửa tháng đến một tháng nên ảnh hưởng thực tế không quá căng thẳng" - ông Phong cho biết nhưng nhấn mạnh cần lưu ý những ảnh hưởng về mặt tâm lý có thể gây tác động không tốt đến nền kinh tế.
M.Chiến - Th.Dương