"Tôi sẽ trao đổi với Tổng Thư ký ASEAN để nêu quan điểm và hy vọng của chúng tôi về một cơ chế hiệu quả hơn nhằm giải quyết vấn đề dài hạn" - Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin chia sẻ sau khi thị sát chiến dịch làm mây nhân tạo của Không quân Malaysia hôm 19-9.
Đây là lần thứ ba Malaysia "gieo mây" kể từ ngày 16-9 và bà Yeo khẳng định chiến dịch này sẽ được tiếp tục tại những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.Bà Yeo nhấn mạnh mọi sáng kiến, kể cả làm mây nhân tạo và Dự luật chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (THA) mà Malaysia đang thúc đẩy để trừng phạt các công ty trong nước gây cháy rừng ở nước ngoài, sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề nếu không có sự hợp tác của các quốc gia khác.
"Làm mây nhân tạo chỉ là giải pháp tạm thời trong khi THA sẽ chỉ được áp dụng với các công ty Malaysia" - bà Yeo giải thích.
Binh sĩ Malaysia tại căn cứ không quân Subang đưa nước lên máy bay để làm mây nhân tạo hôm 19-9Ảnh: Reuters
Theo báo Theo Straits Times, Hiệp định khói mù xuyên biên giới ASEAN (AATHP) hiện không cho phép các quốc gia khác có hành động chống lại nước thành viên vi phạm và cũng không cung cấp sự hỗ trợ nếu phía bị ảnh hưởng không yêu cầu. "Chúng ta cần hợp tác ở cấp độ khu vực. Malaysia tin mọi quốc gia trong ASEAN đều muốn giải quyết vấn đề này. Malaysia cam kết tham gia vào một giải pháp dài hạn" - bà Yeo tuyên bố.
Trong những tuần qua, Malaysia và Singapore bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khói bụi từ các đám cháy rừng ở Indonesia. Theo Reuters, riêng Malaysia tính đến ngày 19-9 đã có hơn 2.000 trường học buộc phải đóng cửa vì khói bụi, làm ảnh hưởng đến 2 triệu học sinh trên toàn quốc.