ICCT tính toán việc đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng máy bay dân dụng trên toàn cầu trong năm 2018 đã phát ra 918 triệu tấn CO2 và sẽ đội lên gấp 3 lần vào giữa thế kỷ này. Nghiên cứu mới cho thấy lượng khí CO2 do “chim sắt” thải ra có thể đang tăng với tốc độ nhanh hơn 1,5 lần ước lượng của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Để đi đến kết luận trên, các nhà khoa học đã phân tích gần 40 triệu chuyến bay trên thế giới trong năm ngoái. CO2 do các hãng hàng không phát ra cũng tăng 32% trong giai đoạn 2013-2018, tương đương với việc xây dựng khoảng 50 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.
Đằng sau sự gia tăng lượng phát thải CO2 trong ngành hàng không là hoạt động đi lại bằng máy bay trên toàn cầu tăng nhanh. Điều này được “tiếp sức” bởi sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ và ngành du lịch bùng nổ nhằm đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Nghiên cứu công bố trong tuần này cho thấy các sân bay phát triển nhanh nhất trên thế giới đều nằm ở những nền kinh tế đang nổi, với 12/30 phi trường hàng đầu tọa lạc tại Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Hôm 18-9, hãng sản xuất máy bay Airbus còn dự báo đến năm 2038, số lượng máy bay thương mại hoạt động trên thế giới sẽ tăng gấp đôi, lên 48.000 chiếc. Đô thị hóa được cho là một trong những nguyên nhân châm ngòi sự gia tăng nhanh chóng này, đặc biệt ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Ảnh: Guardian
Trở lại với tài liệu của ICCT, Mỹ chiếm 24% tổng lượng khí thải CO2 trong hàng không trên toàn cầu, rồi đến Trung Quốc (13%), Anh (4%), Nhật Bản và Đức. Tỷ lệ này của những quốc gia thu nhập thấp nhất mà dân số cộng lại đại diện cho phân nửa dân số thế giới chỉ là 10%. Nghiên cứu của ICCT cũng nhấn mạnh các chuyến bay nội địa là “thủ phạm” để lại dấu chân CO2 sâu đậm, vấn đề thường bị “bỏ quên” trong các cuộc thảo luận về mục tiêu giảm phát thải trên toàn cầu. Đi lại trong nước chiếm phần lớn những chuyến cất cánh ở các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Brazil và Úc. Trong đó, các chuyến bay nội địa ở Mỹ và Trung Quốc chiếm ¼ tổng lượng phát thải CO2 của ngành hàng không thế giới.
Mặc dù hàng không chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng lượng phát thải CO2 của thế giới (tỷ lệ rất nhỏ so với xe khách hoặc nhà máy điện), nhưng con số này dự kiến còn tăng mạnh. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các hãng hàng không đã cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu hơn 2% mỗi năm trong một thập niên qua. Thế nhưng, phát thải CO2 trong ngành hàng không hiện qua mặt những thành tựu về sử dụng nhiên liệu. Đó là lý do kể từ năm tới, tất cả sự tăng lượng phát thải CO2 trong lĩnh vực hàng không quốc tế sẽ được “bù đắp” bằng cách giảm carbon nhiều triệu tấn/năm. Theo kế hoạch được ICAO- Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế thuộc LHQ- thông qua cách đây 3 năm (chương trình Corsia), từ năm 2020 các hãng hàng không sẽ bắt đầu tự nguyện bù đắp phần lớn lượng phát thải CO2 của họ. Những bù đắp carbon sẽ bồi thường cho hoạt động phát thải bằng cách loại bỏ phát thải khí nhà kính tại những nơi khác trên Trái đất. Chẳng hạn, bù đắp có thể liên quan đến việc chi trả cho năng lượng tái tạo hoặc các chương trình được vạch ra để giảm phát thải. Được biết, các hãng hàng không ở 36 quốc gia thành viên ICAO đã tham gia Corsia.