2.600 người chết vì thuốc giảm cân

Thứ ba, 24 Tháng 9 2019 11:02 (GMT+7)
Ngày 23-9, Tòa Hình sự Paris (Pháp) đã mở phiên xét xử vụ án thuốc giảm cân khiến 2.600 người thiệt mạng.

Các bị cáo bao gồm Công ty Dược phẩm Servier, Cơ quan Giám sát thuốc của Pháp, Cơ quan Quốc gia về Thuốc và An toàn sản phẩm y tế của Pháp cùng một thượng nghị sĩ.

Công ty Servier bị buộc tội gian lận, ngộ sát và lừa đảo bằng cách tiếp thị một loại thuốc có hại đã bị cấm; Cơ quan Giám sát thuốc Pháp phải đối mặt với tội danh ngộ sát. Các bị cáo khác bị buộc tội về xung đột lợi ích bất hợp pháp.

Các nạn nhân đã được kê toa "hỗ trợ giảm cân" bằng việc sử dụng thuốc Mediator – loại thuốc trị tiểu đường típ 2 để ngăn chặn sự thèm ăn.

Tuy nhiên, thuốc này lại gây tăng huyết áp phổi - huyết áp cao trong các mạch máu cung cấp máu cho phổi - và biến chứng tim, dẫn đến tử vong do suy tim, ngừng tim ở một số bệnh nhân.

Thuốc cũng ảnh hưởng đến động mạch chủ - động mạch lớn nhất của cơ thể và khiến nhiều người dùng cần thay van tim.

Thuốc Mediator được sản xuất từ năm 1976 và sử dụng tại Pháp trong 33 năm, trước khi bị cấm vào năm 2009 vì các tác dụng phụ.

Pháp xử vụ án 2.600 người chết vì thuốc giảm cân - Ảnh 1.

Thuốc Mediator đã cấm ở nhiều nước. Ảnh: Reuters

Servier là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất của Pháp và vụ việc đã đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa các công ty dược phẩm và cơ quan quản lý.

Vào ngày 30-8, Công ty Servier đã đền bù 131,8 triệu euro cho 3.732 bệnh nhân.

Vào tháng 7 năm ngoái, Công ty Servier tuyên bố rằng họ "đã nỗ lực hết sức để bồi thường cho tất cả các bệnh nhân phải gánh chịu hậu quả từ thuốc Mediator".

Luật sư Claude Lienhard đại diện cho 50 nguyên đơn, cho biết những người bị ảnh hưởng sẽ có thể làm chứng tại phiên tòa được chờ đợi từ lâu. "Sự thật về tác dụng phụ của thuốc đã bị che giấu, đó là lý do tại sao có các bác sĩ, dược sĩ và quan chức đang bị buộc tội vì xung đột lợi ích" - ông Lienhard nói trên đài phát thanh địa phương.

Nguyên đơn Michele Jetot cho biết bà phải phẫu thuật tim sau khi dùng Mediator được hai năm.

"Tôi căm thù Công ty Servier" – bà Jetot nói trong cuộc phỏng vấn của báo Le Parisien. "Họ đã đánh cắp cuộc sống của tôi. Tôi vừa nghỉ hưu và nghĩ rằng tôi sẽ bắt đầu một cuộc sống mới nhưng bây giờ tôi không thể rời khỏi nhà của mình. Tôi không thể gặp bất cứ ai. Tôi luôn mệt mỏi".

Ngày 23-9, luật sư của Công ty Servier, ông Francois de Castro, đã nói với đài CNN rằng "Công ty Servier không biết rằng thuốc của họ gây ra các vấn đề về tim".

Trước đó, một báo cáo hồi năm 2010 của Tổ chức Bảo hiểm Y tế Quốc gia Pháp (CNAM) tiết lộ rằng trong khoảng 30 năm có tới 500 bệnh nhân có thể đã chết vì các biến chứng liên quan trực tiếp đến thuốc Mediator.

Trong một báo cáo năm 2012, nhà dịch tễ học Agnes Fournier thuộc Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Pháp (INSERM) đã ước tính loại thuốc này có thể đã gây ra 2.000 ca tử vong.

Thuốc Mediator đã bị cấm ở Bỉ vào năm 1978, Thụy Sĩ năm 1997 và Tây Ban Nha năm 2003 - theo một báo cáo do Ủy ban các vấn đề xã hội của Pháp trình bày trước Quốc hội năm 2011.

Phiên tòa kể trên sẽ xem xét lý do vì sao loại thuốc này vẫn còn được bán ở Pháp trong suốt một thời gian dài như vậy.

Gia Minh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới