Bảng tổng sắp huy chương tạm thời ngày 2-12
Việt Nam có 5 HCV liên tiếp ở môn Kurash trong ngày thi đấu thứ 2 SEA Games 30. Hai VĐV vừa mang vàng về cho đoàn TTVN gồm Trần Thị Thanh Thủy hạng 70kg nữ, Vũ Ngọc Sơn hạng 73kg nam, Lê Đức Đông hạng dưới 66kg nam, Bùi Minh Quân hạng dưới 81kg nam, Nguyễn Thị Lan hạng dưới 70kg nữ.
Võ gậy arnis:
VĐV Vương Thanh Tùng đã thất bại ở trận chung kết trước VĐV chủ nhà Philippines ở hạng cân 65kg. Với kết quả này, võ gậy tiếp tục mang về thêm 1 tấm HCB cho đoàn thể thao Việt Nam.
Ngày thi đấu thứ 2 SEA Games 30, võ gậy arnis có thêm 1 HCĐ đến từ Vũ Đức Hùng hạng dưới 65kg nam, sau khi để thua võ sĩ chủ nhà tại bán kết. Trong khi đó, Văn Công Quốc (hạng dưới 55kg) và Nguyễn Đức Trí (hạng dưới 60kg) giành quyền vào tranh HCV.
Tuy nhiên, Văn Công Quốc và Nguyễn Đức Trí chỉ giành HCB sau khi để thua 2 võ sĩ nước chủ nhà trong trận chung kết.
Bóng rổ:
Hai đội tuyển bóng rổ nam, nữ Việt Nam vào bán kết. Đội nữ có 2 trận thắng, 3 thua tại vòng bảng. Trong khi đội nam thắng 5, thua 1. Các nam tuyển thủ vừa có chiến thắng cách biệt 22-6 trước Myanmar và có khoảng 2 tiếng nghỉ ngơi trước khi bước vào trận bán kết.
Ở bán kết, đoàn quân Việt Nam thất bại trước Indonesia với tỉ số 18-20. Trong trận tranh HCĐ với Thái Lan, tuyển bóng rổ 3x3 nam Việt Nam đã vượt qua đối thủ với tỉ số 21-17, giành hạng ba chung cuộc. Đây cũng là tấm huy chương lịch sử của Việt Nam khi lần đầu tham dự môn thi lạ lẫm này.
Quần vợt:
Nữ tay vợt Savanna Lý Nguyễn giành chiến thắng tay vợt nước chủ nhà sau 2 ván với cùng tỉ số 6-2 và vượt qua vòng 2 nội dung đánh đơn. Trong khi đó, nữ tay vợt Fodor Csilla bất ngờ thất bại chóng vánh 1-6 và 2-6 trước hạt giống số 2 người Indonesia Aldila.
Ngoài ra, tay vợt hạt giống số 1 Daniel Cao Nguyễn của Việt Nam dễ dàng vượt qua tay vợt Campuchia Kenny Bun với tỉ số 6-0, 6-3 để tiếp tục hành trình tìm kiếm HCV cho quần vợt nước nhà.
Và với đẳng cấp quốc tế vượt trội, tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam cũng dễ dàng hạ đối thủ Indonesia sau 2 ván đấu với cùng tỉ số 6-1 để cùng Daniel Cao Nguyễn vào tứ kết nội dung đơn nam.
Cử tạ:
Nữ lực sĩ Nguyễn Thị Thúy vừa giành HCB cử tạ hạng cân 55kg nữ
Lực sĩ Thạch Kim Tuấn đăng ký mức cử giật cao nhất là 135kg, giống như Eko Irawan của Indonesia. Và cả hai VĐV lần thứ 2 mới thực hiện thành công. Ở mức cử tiếp theo 140kg, Kim Tuấn thất bại trong khi Eko đã thực hiện thành công để tạm dẫn đầu ở nội dung cử giật. Các VĐV tạm nghỉ 30 phút trước khi bước vào nội dung cử đẩy quyết định. Tấm HCV vẫn chỉ là cuộc cạnh tranh giữa hai đại diện của Việt Nam và Philippines.
Nhưng một lần nữa đoàn TTVN lại mất vàng đáng tiếc, ở lần nâng cuối cùng, Thạch Kim Tuấn thực hiện thành công mức tạ 169kg. Đáng tiếc cho lực sĩ của Việt Nam khi đối thủ Eko cũng thực hiện thành công ở mức tạ 169kg quyết định, qua đó đoạt HCV với mức tổng cử là 309kg, trong khi Kim Tuấn có mức tổng cử là 304kg.
Nguyễn Thị Quyên kết thúc nội dung thi cử tạ hạng 49kg, với kết quả cử giật 75kg, cử đẩy 97kg giành HCĐ. Nữ lực sĩ, Windy Aisah (Indonesia, sinh năm 2002) thi đấu xuất sắc cử giật 86kg, cử đẩy 104kg, tổng cử 190kg phá kỷ lục cả 3 nội dung (cử giật, cử đẩy, tổng cử) của trẻ thế giới.
Duathlon:
Nguyễn Thị Phương Trinh giành HCĐ 2 môn phối hợp cá nhân nữ 2 môn phối hợp: chạy 10km, đạp 40km, chạy 5km (Duathlon). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ SEA Games, Việt Nam tham gia nội dung này. Giành HCV là VĐV chủ nhà Monica Torres, đương kim vô địch châu Á.
Đây là tấm huy chương quý hơn vàng đầu tiên của Đội tuyển 3 môn và 2 môn phối hợp Việt Nam. Cô gái trẻ sau phần chạy 10km đầu xếp hạng 6 và tụt lại hạng 7 vào nhóm đạp thứ 2; nhưng đã thể hiện thế mạnh của một cua-rơ đích thực để vượt mặt các đối thủ, theo sát VĐV Thái Lan sau 40km đạp xe để tranh hạng nhì. Sau đó Trinh giữ vững khoảng cách và kết thúc 5km chạy bộ để giành chiếc HCĐ.
Wushu:
Phạm Quốc Khánh thi chung kết nam côn và chỉ xếp hạng 3 vì kém 0,2 điểm so với VĐV đoạt HCV. Như vậy, Khánh là võ sĩ đoạt HCĐ đầu tiên trong ngày thi đấu thứ 2 của Đoàn TTVN.
Sau đó, đồng đội Trần Xuân Hiệp đã kết thúc bài thi chung kết đao thuật với 9,65 điểm và sẽ tiếp tục thi đấu trong ngày mai (3-12) để phân hạng chung cuộc.
Theo bảng tổng sắp huy chương sau ngày thi đấu đầu tiên, Việt Nam lép vế so với đoàn chủ nhà có 22 HCV, nhưng giành gấp đôi số HCV so với đoàn đứng thứ 3 là Thái Lan. Qua ngày thi đấu đầu tiên, các VĐV của Việt Nam đã hoàn thành được 1/7 mục tiêu giành HCV đã đề ra trước ngày lên đường thi đấu.
Quy định của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) về khoản thưởng nóng cho 1 HCV SEA Games là 25 triệu đồng. Tuy nhiên, đoàn TTVN trong ngày thi đấu đầu tiên 1-12 lại phải chi trên 200 triệu đồng cho 8 nhà vô địch. Khoản phụ trội này đến từ việc lãnh đạo đoàn linh động thưởng thêm cho cua-rơ Đinh Thị Như Quỳnh, chủ nhân HCV đầu tiên, 10 triệu đồng, tức cá nhân tuyển thủ này được nhận 35 triệu đồng.
10 tấm HCV gồm: Đinh Thị Như Quỳnh (xe đạp băng đồng nữ), Nguyễn Đức Hòa - Nguyễn Thị Hải Yến (khiêu vũ thể thao, nội dung quicksteps), Vương Thị Huyền (cử tạ nữ, 45 kg), Lại Gia Thành (cử tạ nam, 55 kg), Nguyễn Đoàn Minh Trường - Nguyễn Trọng Nhã Uyên (khiêu vũ thể thao, nội dung jive), Trần Thương (kurash, dưới 90 kg nam), Hoàng Thị Tình (kurash, dưới 52 kg nữ), Vũ Thị Thanh Bình (võ gậy, dưới 55 kg nữ), Nguyễn Thị Cẩm Nhi (võ gậy, trên 60 kg nữ), Đào Thị Hồng Nhung (võ gậy, dưới 65 kg nữ).
Tường Phước - Quang Liêm - Đào Tùng - (nld.com.vn)
T/h: Anh Đức - (dongbang.vn)